Khai thác hiệu quả tiềm năng khoáng sản gắn với chế biến sâu

Thời gian qua, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh diễn ra tương đối ổn định, giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận lao động địa phương. Tuy nhiên, để khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản một cách hợp lý và bền vững, Bắc Kạn xác định phát triển công nghiệp chế biến sâu khoáng sản và sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Hoạt động chế biến chì kẽm tại Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 21 giấy phép khai thác khoáng sản, trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng còn hiệu lực. Trong đó có 11 mỏ khoáng sản chì, kẽm đang hoạt động với tổng công suất được phép khai thác là 285.890 tấn/năm; 2 mỏ khoáng sản vàng với tổng công suất được phép khai thác 11.900 tấn/năm; 4 mỏ khoáng sản sắt với tổng công suất được phép khai thác 322.500 tấn/năm… Có 4 nhà máy sản xuất kim loại chì đang hoạt động với tổng công suất trên 16.500 tấn/năm; 2 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng với tổng công suất trên 50.000 tấn kim loại chì, kẽm/năm và sản xuất các sản phẩm phụ khác như Axit sunfuaric có công suất 40.000 tấn/năm, đồng thô 30.000 tấn/năm.

Các nhà máy khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, tăng thu ngân sách nhà nước. Các đơn vị cơ bản đều chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản và thực hiện báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định. Công tác chế biến sâu khoáng sản được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao giá trị gia tăng khoáng sản và tạo nền tảng, định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo các sản phẩm chi tiết có giá trị cao. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh, một số dự án sản xuất kẽm kim loại cũng đang được xây dựng sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ tinh quặng kẽm, bột ôxit kẽm tồn kho tại một số doanh nghiệp và chế biến quặng kẽm của tỉnh…

Tuy nhiên, các sản phẩm quặng sắt của tỉnh mới dừng lại ở sản phẩm tinh quặng, giá trị gia tăng thấp; điều kiện khai thác các mỏ khoáng sản ngày càng khó khăn hơn, chi phí khai thác lớn, khó khăn trong việc khai thác quy mô công nghiệp và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong khai thác mỏ, nhất là trong khai thác khoáng sản hầm lò. Các mỏ khai thác quặng sắt lộ thiên trên địa bàn đều không đạt công suất dẫn đến nguồn nguyên liệu phục vụ công tác chế biến sâu chưa đảm bảo. Mặt khác, quặng sắt chủ yếu chứa thành phần phụ gia, không phải thành phần chính để nung luyện sản xuất sản phẩm gang, thép nên khó khăn trong việc phát triển dự án luyện kim đen. Phần lớn quặng kẽm, tinh quặng kẽm được vận chuyển ra tiêu thụ ngoài tỉnh, còn một phần tinh quặng kẽm tồn kho do khó khăn về thị trường tiêu thụ và không thuộc danh mục sản phẩm xuất khẩu.

Với mục tiêu khai thác hiệu quả các khoáng sản mà tỉnh có tiềm năng lợi thế, Bắc Kạn đang triển khai có hiệu quả Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, trong đó định hướng hoạt động khai thác phải gắn với chế biến sâu đối với một số loại khoáng sản mà tỉnh có tiềm năng, đặc biệt khoáng sản chì, kẽm.

UBND tỉnh cũng thường xuyên đôn đốc các ngành, địa phương giải quyết dứt điểm các dự án chế biến sâu khoáng sản đã đầu tư nhưng dừng sản xuất hoặc chậm tiến độ, điển hình là Nhà máy sản xuất sắt xốp Bắc Kạn, Nhà máy luyện gang Bắc Kạn… đồng thời không quy hoạch vùng nguyên liệu cho các dự án tạm dừng sản xuất nếu chưa có kế hoạch, lộ trình tái cấu trúc hoạt động trở lại cụ thể. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư đầu tư xây dựng các dự án sản xuất kẽm kim loại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch.

Tỉnh Bắc Kạn cũng đang tích cực phát triển hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng, quỹ đất sạch để thu hút đầu tư các dự án công nghiệp nói chung và từng bước hình thành cụm công nghiệp cho lĩnh vực chế biến sâu khoáng sản, sản xuất kim loại, sản phẩm chi tiết từ kim loại…

Theo Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, để phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, Bắc Kạn xác định:

 Tiếp tục hoàn thiện và duy trì hoạt động ổn định các dự án chế biến khoáng sản hiện có trên địa bàn gồm: Các nhà máy tuyển luyện chì kẽm, nhà máy điện phân chì kẽm, nhà máy luyện kim, luyện gang; nhà máy chế biến canxi cacbonat…

Đầu tư xây dựng mới các nhà máy luyện chì; nhà máy sản xuất feromangan và silicomangan.

Tập trung khai thác các mỏ khoáng sản có trữ lượng lớn để cung cấp nguyên liệu cho một số ngành công nghiệp và xuất khẩu.

Gắn phát triển ngành luyện kim với việc khai thác khoáng sản, đi từ quy mô nhỏ đến lớn, phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, kết hợp hiện đại hoá các cơ sở hiện có với xây dựng mới các nhà máy hiện đại.

 Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn (Tác giả Thu Cúc)

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content