Chợ Đồn phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP

BBK – Thời gian qua, huyện Chợ Đồn triển khai có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), tạo động lực để phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

HTX An Bình, xã Ngọc Phái đến nay đã xây dựng thành công các sản phẩm kẹo lạc, trà hoa vàng, trà hoa vàng túi lọc đạt chuẩn OCOP 3 sao. Chị Triệu Thị Thủy, Giám đốc HTX cho hay: “Trong thời buổi cạnh tranh, khách hàng rất quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, bao bì và những thông tin công khai, rõ ràng của sản phẩm. Do đó HTX An Bình không chạy theo số lượng mà chủ yếu tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để xây dựng, giữ uy tín, mở rộng thị trường, giữ chân khách hàng lâu dài, bền vững”.

Sản phẩm kẹo lạc của HTX An Bình đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Cùng quan điểm này, bà Giá Thị Luân, Giám đốc HTX Hồng Luân, xã Tân Lập chia sẻ: “Việc xây dựng sản phẩm đi đôi với nâng cao chất lượng, đầu tư mẫu mã, bao bì để giữ uy tín và mở rộng thị trường rộng rãi là mục tiêu hàng đầu và bắt buộc phải được chú trọng, hướng đến. Các sản phẩm chủ yếu hiện nay của HTX gồm: Chè Shan tuyết, măng khô, bún khô… Ngoài nâng cao chất lượng, tích cực tham gia các hội chợ thương mại quảng bá, giới thiệu sản phẩm chúng tôi còn tích cực giao dịch trên các sàn thương mại điện tử như backanmarket.vn; zalo; facebook”…

Năm 2023, huyện Chợ Đồn xây dựng được thêm 05 sản phẩm mới đạt 3 sao, gồm: Rượu trầm hương của HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Bền (xã Yên Phong); măng khô của HTX Hoàng Huy (xã Bằng Lãng); trà hoa vàng và trà hoa vàng túi lọc của HTX An Bình (xã Ngọc Phái); dâu tây của HTX Nam Cường (xã Nam Cường). Nâng số sản phẩm được gắn sao OCOP của toàn huyện hiện nay lên 31 sản phẩm (03 sản phẩm 4 sao và 28 sản phẩm 03 sao) của 25 HTX, cơ sở sản xuất, hộ cá thể trên địa bàn huyện.

Cùng với việc xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP, HTX Hồng Luân 
còn xây dựng điểm giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP của huyện Chợ Đồn.

Giai đoạn 2022-2025, huyện Chợ Đồn được phê duyệt danh mục 16 dự án liên kết sản xuất để phát triển vùng nguyên liệu, tập trung vào các cây trồng, vật nuôi thế mạnh của huyện như: Hồng không hạt, chè Shan tuyết, chè hoa vàng, chăn nuôi gia súc, gia cầm gà, lợn bản địa và một số dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng như: Cây kiệu, dâu tây, khoai tây, cây dược liệu…

Ông Triệu Huy Chung, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết: Huyện luôn chú trọng nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP thông qua việc cử đại diện các HTX, doanh nghiệp, chủ thể tham gia tập huấn nâng cao năng lực do các ngành chuyên môn liên quan ở các cấp huyện, tỉnh tổ chức; tích cực tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu; tích cực tổ chức các sự kiện văn hoá, văn nghệ kết hợp chợ đêm để quảng bá các sản phẩm… Từ triển khai Chương trình OCOP, nhận thức của các tổ chức kinh tế tập thể, hộ sản xuất, kinh doanh cá thể thay đổi tích cực, hiểu rõ ý nghĩa của chương trình và chung tay tích cực phát triển kinh tế, phát huy nội lực, tận dụng tài nguyên sẵn có của địa phương để sản xuất hàng hóa. Số lượng sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP mỗi năm đều tăng. Chất lượng hoạt động cũng như các sản phẩm của các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất ngày càng được nâng lên.

Nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể trên địa bàn huyện Chợ Đồn đã và đang không ngừng đổi mới công nghệ, trang thiết bị để chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường; đăng ký xác lập bảo hộ và sở hữu trí tuệ nhãn hiệu hàng hóa; đưa sản phẩm lên các kênh bán hàng, hội nghị xúc tiến thương mại để xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường…

Có thể khẳng định, Chương trình OCOP đã thực sự tác động tích cực đối với công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Chợ Đồn những năm gần đây./.

Nguồn: https://baobackan.com.vn (Tác giả Tùng Vân)

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content