Bạch Thông phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung

BBK – Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, từng bước quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất tập trung, huyện Bạch Thông đã đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Trong Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Bạch Thông xác định vùng sản xuất trọng điểm và lựa chọn cây, con giống là điều kiện tiên quyết trong phát triển kinh tế của địa phương. Hiện, huyện có hơn 1.480ha cam, quýt, trong đó 1.356ha đã cho thu hoạch, được trồng tại các xã Dương Phong, Đôn Phong, Quang Thuận; hơn 127ha cây thuốc lá, 107ha hồi được trồng chủ yếu tại xã Sỹ Bình, Vũ Muộn, Cao Sơn; 100ha mơ, trong đó 60ha đã cho thu hoạch, trồng tại các xã Đôn Phong, Mỹ Thanh, Nguyên Phúc, Quang Thuận, Quân Hà; 70ha dong riềng tại các xã Cao Sơn, Mỹ Thanh, Đôn Phong, Tân Tú; 66ha chè tại các xã Quang Thuận, Đôn Phong, Quân Hà; 61ha cấy lúa hữu cơ tập trung tại các xã Mỹ Thanh, Nguyên Phúc, Quân Hà, Tân Tú và thị trấn Phủ Thông…

Thôn Phiêng An, xã Quang Thuận có 23 hộ dân với 109 nhân khẩu, trong đó dân tộc Dao chiếm 90%. Triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện Bạch Thông, với cảnh quan tự nhiên tươi đẹp, nhiều di tích lịch sử, thôn đã xác định phát triển kinh tế địa phương gắn với du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, tìm hiểu nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Dao Đỏ.

Thôn quy hoạch gần 14,5ha đất trồng chè và phát triển cây ăn quả đặc sản. Năm 2020, Tổ hợp tác Nông sản sạch Phiêng An được thành lập với sản phẩm chủ lực là chè, cây ăn quả được trồng theo chuẩn VietGAP, hữu cơ. Sản phẩm chè Phiêng An đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021. Nhờ thiên nhiên ưu đãi với khí hậu trong lành, cảnh sắc phong phú, nhiều sản phẩm đặc hữu chất lượng an toàn, những năm gần đây thôn Phiêng An thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đây cũng là mô hình điểm về du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2021 – 2025.

Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Bạch Thông còn chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, với quy mô tập trung, từng bước nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm. Hiện, toàn huyện có 7 trang trại chăn nuôi trâu, bò quy mô vừa và nhỏ; 01 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn tại xã Mỹ Thanh và 7 trang trại quy mô vừa và nhỏ; hơn 148ha diện tích nuôi thả thủy sản. Tổng đàn trâu bò 4.500 con; dê, hơn 3.300 con; lợn, 22.000 con và 255.000 con gia cầm các loại.

Ông Đàm Mạnh Cường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bạch Thông: Huyện tiếp tục duy trì diện tích sản xuất giống lúa chất lượng cao, tích tụ ruộng đất hình thành cánh đồng lớn để chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa; tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế như: Cây chè, hồi, mơ, thuốc lá, cam, quýt, hồng không hạt, khoai tây… Đồng thời, mở rộng quy mô chăn nuôi trâu, bò theo hướng nuôi nhốt; nuôi lợn đen bản địa, dê sinh sản. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, THT xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Chỉ đạo các cơ sở, HTX, hộ kinh doanh chế biến sâu sản phẩm, thiết kế bao bì đẹp, hiện đại, bắt mắt phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, có nhãn mác, chỉ dẫn địa lý; đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm thông qua các chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP)…

Người dân thôn Phiêng An, xã Quang Thuận phát triển cây chè theo hướng VietGAP.

Nguồn: baobackan.com.vn (Tác giả Thanh Hảo)

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content