Bắc Kạn triển khai một số chính sách hỗ trợ phát triển điểm du lịch cộng đồng

Để cụ thể hóa Nghị quyết số 18/NQ-TU ngày 12/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn (khóa XII) về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, HĐND tỉnh Bắc Kạn vừa thông qua Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Qua khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều thôn, bản có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, có khả năng để phát triển du lịch cộng đồng. Một số thôn, bản có hệ thống sông, suối, thác nước, rừng tự nhiên và những cánh đồng ruộng bậc thang đẹp và nguyên sơ, chưa bị khai phá, tác động nhiều bởi con người; có hệ thống sinh thái đa dạng, phong phú tạo nên bức tranh thiên nhiên hấp dẫn cho phát triển du lịch. Tại nhiều thôn, người dân vẫn còn giữ được bản sắc dân tộc của mình như: Nếp nhà, phong tục, tập quán, nghi lễ, trang phục, nghề truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, trò chơi dân gian và các món ẩm thực dân tộc. Hệ thống các di tích lịch sử văn hóa mang nhiều giá trị, đây là nguồn tài nguyên có thể tạo thành những sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa cho khách du lịch.

Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, chất lượng dịch vụ vận chuyển, ăn uống, cơ sở lưu trú, tham quan, vui chơi giải trí, mua sắm… còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, dẫn đến nguồn thu từ du lịch còn thấp và chưa tương xứng với tiềm năng, tài nguyên sẵn có; chưa có nhiều điểm du lịch đáp ứng điều kiện công nhận điểm du lịch theo quy định. Cùng với đó, các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh còn ít, quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Văn Tiến cho biết, theo kết quả khảo sát thực trạng 20 thôn có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh cho thấy, tại các điểm khảo sát, các nhà ở truyền thống của dân tộc chưa có kiến trúc độc đáo, chất lượng chưa cao, cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ thiếu các dịch vụ bổ trợ, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Hoạt động kinh doanh homestay vẫn còn mang tính tự phát, chưa được quy hoạch cụ thể. Chưa bảo tồn, phát huy được bản sắc văn hóa, kiến trúc nhà ở và các nghề truyền thống hiện có như: Đan lát, nấu rượu, dệt thổ cẩm của người Tày, thêu hoa văn trên trang phục của người Dao… để có thể hình thành các mô hình trải nghiệm, tìm hiểu bản sắc văn hóa phục vụ cho khách du lịch. Tuy nhiên, ban lãnh đạo thôn và người dân tại các thôn được khảo sát đều có mong muốn được Nhà nước quan tâm, quy hoạch để phát triển thôn thành điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, qua đó từng bước giải quyết công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong thôn.

Trước thực trạng trên, để thúc đẩy hoạt động du lịch tại các địa phương có tiềm năng, đồng thời từng bước tạo sinh kế bền vững cho người dân cũng như góp phần hình thành đa dạng sản phẩm du lịch, tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa X đã ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ thí điểm phát triển điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Một góc thôn Bản Chiêng, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông

Theo đó có 3 thôn được hỗ trợ là: Khuân Bang, xã Như Cố, huyện Chợ Mới; Cọn Poỏng, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn; Bản Chiêng, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông. Mỗi thôn thí điểm sẽ được hỗ trợ gần 300 triệu đồng để thuê tư vấn về thiết kế, bố trí không gian, cảnh quan làm căn cứ cho đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ phục vụ du lịch cho các điểm thuộc mô hình thí điểm phát triển điểm du lịch cộng đồng; tư vấn để tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách; tư vấn về phương pháp, cách tổ chức làm du lịch cộng đồng…

Hỗ trợ tối đa không quá 3 tỷ đồng để đầu tư cổng chào; điểm thông tin du lịch và giới thiệu, bán sản phẩm phục vụ khách du lịch; xây dựng tiểu cảnh, điểm checkin, chụp ảnh, trải nghiệm; nhà vệ sinh công cộng; điểm đỗ xe; hệ thống biển chỉ dẫn các điểm tham quan du lịch.

Hỗ trợ một lần 100% lãi suất vay vốn ngân hàng theo thực tế để các cá nhân, tổ chức xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở truyền thống của dân tộc thành Homestay để phục vụ khách du lịch. Mức vay tối đa được hỗ trợ lãi suất không quá 500 triệu đồng/nhà, thời gian vay không quá 36 tháng và không quá 10 nhà/1 điểm du lịch cộng đồng.

Hỗ trợ 50 triệu đồng/cơ sở và không quá 3 cơ sở/1 điểm du lịch cộng đồng phát triển sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc gồm: Dệt thổ cẩm; đan lát, cắt may, thêu thùa hoa văn trên bộ trang phục, khăn, túi thổ cẩm… tạo sản phẩm lưu niệm, quà tặng đặc trưng phục vụ khách du lịch.

Tỉnh cũng hỗ trợ một lần đối với các cá nhân có hộ khẩu tại các điểm du lịch thí điểm và có cam kết làm việc, phục vụ phát triển du lịch tại địa phương. Thời gian tối thiểu từ 36 tháng tham gia các khóa đào tạo trên 3 tháng tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có chức năng, nhiệm vụ bồi dưỡng về du lịch với mức 1,5 triệu đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng và không quá 15 người/1 điểm du lịch.

Hỗ trợ không quá 150 triệu đồng/năm, thời gian hỗ trợ trong 3 năm cho 1 điểm du lịch để nghiên cứu thị trường, xây dựng nội dung tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch tại các cuộc hội thảo, hội chợ du lịch cấp khu vực và toàn quốc, bao gồm: Thiết kế các trang mạng để quảng bá, giới thiệu điểm đến; xây dựng video giới thiệu về điểm du lịch; tổ chức các đoàn Famtrip đến khảo sát, xây dựng, quảng bá và phát triển sản phẩm du lịch tại điểm.

Thực trạng 3 thôn được hỗ trợ để xây dựng thành “Điểm du lịch cộng đồng”:

* Thôn Khuân Bang, xã Như Cố, huyện Chợ Mới cách trung tâm xã khoảng 3 km, có 47 nhà sàn kiến trúc truyền thống đẹp, độc đáo; còn lưu giữ được bản sắc văn hóa, nghề truyền thống của người dân tộc Tày (chiếm 95% dân số); giao thông thuận lợi kết nối tour, tuyến du lịch với các địa phương khác trong vùng.

* Thôn Cọn Poỏng, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn có hang Pác Chản; có không gian phát triển các sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp phục vụ khách du lịch; có nguồn nhân lực có tiềm năng để đầu tư phát triển các sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp, dịch vụ ăn uống, mua sắm phục vụ khách du lịch; giao thông thuận lợi và có khả năng kết nối tour, tuyến với tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang.

* Thôn Bản Chiêng, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông có Thủy điện Nặm Cắt, thác nước, sông, suối; có bản sắc văn hóa, các nghề thủ công truyền thống của dân tộc Dao; có tuyến đường cao tốc mới Bắc Kạn – Ba Bể đi qua nên thuận lợi kết nối với Khu du lịch Ba Bể và thành phố Bắc Kạn.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn (Tác giả Thu Cúc)

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content