Bắc Kạn triển khai hỗ trợ nhân lực chất lượng cao cho hợp tác xã

Hỗ trợ nhân lực chất lượng cao là một trong những chính sách được tỉnh Bắc Kạn đã và đang triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động sản xuất tại HTX Tài Hoan – Một trong những HTX đang hoạt động có hiệu quả

Giai đoạn 2018 – 2020, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai chính sách hỗ trợ nhân lực chất lượng cao cho các HTX với 43 HTX được hưởng lợi, gồm 34 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 9 HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Trong đó, 9 HTX được hỗ trợ lao động làm quản lý; 28 HTX được hỗ trợ lao động làm kế toán; 5 HTX được hỗ trợ lao động làm kỹ thuật và 1 HTX được hỗ trợ lao động làm Maketing. Kết quả thực tế cho thấy, sau khi được hỗ trợ, 32/43 HTX hoạt động có hiệu quả, 11/43 HTX hoạt động trung bình. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX được hỗ trợ nhân lực tăng so với đầu năm 2018; cụ thể về doanh thu tăng bình quân 180%, lợi nhuận tăng 150%, thu nhập tăng 200%.

Theo báo cáo đánh giá của UBND tỉnh, thông qua việc hỗ trợ cán bộ có bằng cấp làm việc tại HTX đã giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tăng cường năng lực cạnh tranh của các HTX với các thành phần kinh tế khác trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế, đồng thời giúp nâng cao thu nhập cho kinh tế hộ thành viên, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2018 – 2020, có 18/43 HTX được hỗ trợ tham gia Chương trình OCOP với 22 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, riêng HTX Minh Anh có 6 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Các HTX được hỗ trợ nguồn nhân lực tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng có hiệu quả, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, tổ chức phân phối lợi nhuận theo quy định, góp phần tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho thành viên, người lao động.

Theo số liệu rà soát 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 325 HTX, trong đó có 27 HTX hoạt động còn yếu và không hiệu quả. Một trong những nguyên nhân khiến các HTX hoạt động không hiệu quả là thiếu nguồn nhân lực có trình độ. Thành viên HTX đa phần là nông dân, cùng nhau lập ra HTX để hỗ trợ nhau trong sản xuất, không có chuyên môn về quản trị, kỹ thuật, kế toán…, để thực hiện các thủ tục có liên quan. Ban quản trị, giám đốc, thành viên không có trình độ chuyên môn cũng làm hạn chế về khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận các thông tin cũng như điều hành hoạt động của HTX.

Từ thực trạng trên và qua kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ giai đoạn 2018 – 2020 cho thấy, chính sách hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực có trình độ về làm việc trong HTX giai đoạn 2022 – 2025 là rất cần thiết. Việc hỗ trợ, đưa lao động trẻ có trình độ về làm việc tại các HTX sẽ góp phần giúp các HTX quản trị, tìm kiếm thị trường, quản lý chất lượng sản phẩm, hạch toán kế toán… có bài bản và chất lượng hơn so với trước đây. Chính vì vậy, tháng 11/2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ nguồn nhân lực cho HTX giai đoạn 2022 – 2025 tại Quyết định số 2241/QĐ-UBND nhằm khắc phục hạn chế về thiếu nguồn nhân lực có trình độ, năng lực của các HTX trên địa bàn tỉnh; qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, góp phần thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh sẽ hỗ trợ nguồn nhân lực cho 100 HTX có nhu cầu hỗ trợ về lao động có trình độ cao đẳng trở lên để hỗ trợ quản trị, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh phù hợp với lĩnh vực hoạt động của HTX. Mỗi HTX được hỗ trợ một lần để thuê 1 lao động có trình độ cao đẳng trở lên về làm việc tại HTX, mức hỗ trợ bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng, thời hạn hỗ trợ tối đa 36 tháng (tính đến hết 31/12/2025).

Triển khai chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực, tháng 5/2023, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách HTX được hỗ trợ nguồn nhân giai đoạn 2022 – 2025 (lần 1) gồm 44 HTX với  kinh phí trên 7,7 tỷ đồng. Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ các HTX có nhu cầu về lao động có trình độ cao đẳng trở lên để hỗ trợ quản trị, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh phù hợp với lĩnh vực hoạt động của HTX. Mỗi HTX được hỗ trợ một lần để thuê 1 lao động có trình độ cao đẳng trở lên về làm việc tại HTX, lao động có thể là thành viên, con em thành viên HTX hoặc lao động thuê ngoài, độ tuổi không quá 35 tuổi đối với lao động nữ và không quá 40 tuổi đối với lao động nam.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có 371 HTX, trong đó 138 HTX hoạt động khá, tốt, 132 HTX hoạt động trung bình, 65 HTX hoạt động yếu kém, 36 HTX không đủ điều kiện đánh giá do mới thành lập và hoạt động chưa đủ 12 tháng hoặc tạm ngừng hoạt động từ trên 3 tháng trong năm. Tổng số cán bộ quản lý các HTX 1.139 người, trong đó 196 cán bộ quản lý HTX có trình độ sơ cấp, trung cấp, 232 cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, số còn lại chưa qua đào tạo chuyên môn; kiến thức quản lý chủ yếu được bồi dưỡng qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn ngày do Liên minh HTX tỉnh và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức.

Việc triển khai chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực chất lượng cao cho các HTX kịp thời sẽ giúp hoạt động của các HTX được đổi mới, hiệu quả; từ đó, nâng cao số HTX hoạt động khá, tốt, giảm HTX yếu kém và nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX, góp phần phát triển bền vững kinh tế nông thôn./.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn (Tác giả Hương Dịu)

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content