Bạch Thông chủ trương phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch

Nhằm phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng để phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, tại Kỳ họp thứ 15, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bạch Thông (khóa XV) đã quyết nghị thông qua Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch huyện Bạch Thông giai đoạn 2023 – 2030, định hướng đến năm 2035.
Phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng

Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Bạch Thông những năm gần đây có sự khởi sắc. Một số lễ hội Lồng tồng thu hút đông đảo du khách vào dịp Tết Nguyên đán; du khách đến tham quan Di tích lịch sử Nà Tu, đồn Phủ Thông, cảnh quan thác Vằng Áng (xã Vi Hương), hồ Thủy điện Thác Giềng (xã Mỹ Thanh), Hợp tác xã Thiên An (xã Vi Hương), thôn Phiêng An (xã Quang Thuận) ngày càng tăng … là cơ sở quan trọng, khẳng định Bạch Thông có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho Nhân dân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác đến thăm và chụp ảnh lưu niệm 
tại Di tích lịch sử Nà Tu

Tuy vậy, hoạt động du lịch của huyện còn mang tính tự phát, khai thác đơn lẻ, không tạo thành các chuyến (tour), sản phẩm du lịch còn nghèo nàn. Các giá trị văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng chưa được phát huy, khai thác phục vụ du lịch. Du lịch Bạch Thông chưa tạo dựng được thương hiệu, chưa thu hút du khách, chưa mang lại hiệu quả kinh tế.

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bạch Thông, lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 được bổ sung tại Nghị quyết số 28-NQ/HU ngày 16/5/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, đồng thời phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng để phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ mười lăm (khóa XV) đã quyết nghị về phát triển du lịch huyện Bạch Thông, giai đoạn 2023 – 2030, định hướng đến năm 2035 với quan điểm: “Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ngành, các đoàn thể và toàn thể Nhân dân trên địa bàn huyện; coi du lịch là lĩnh vực quan trọng, góp phần tạo động lực cho kinh tế – xã hội phát triển nhanh và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Tập trung thu hút đầu tư, phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, cảnh quan thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Chú trọng gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử và bản sắc văn hóa dân tộc”.

Phấn đấu đến năm 2035, khu vực kinh tế dịch vụ – du lịch chiếm khoảng 35% trong cơ cấu kinh tế của huyện

Huyện Bạch Thông phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành quy hoạch 4 điểm du lịch tại thị trấn Phủ Thông, xã Vi Hương, Đôn Phong, Quang Thuận; các xã còn lại khảo sát và quy hoạch được ít nhất 1 điểm du lịch quy mô phù hợp; tập trung xây dựng điểm du lịch Phiêng An (Quang Thuận) và điểm du lịch Bản Chiêng (Đôn Phong), trong đó có ít nhất 1 điểm du lịch được công nhận.

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, thôn Phiêng An đã được tỉnh đưa vào kế hoạch xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn giai đoạn 2021 – 2025 (Ảnh: Đoàn công tác của tỉnh thăm và trải nghiệm tại thôn Phiêng An)

Đến năm 2030, huyện phấn đấu cơ bản hình thành các điểm du lịch theo quy hoạch, Bạch Thông trở thành điểm đến trong chuỗi du lịch của tỉnh Bắc Kạn kết nối với du lịch hồ Ba Bể và các tỉnh Đông Bắc, thu hút khoảng 100.000 lượt khách du lịch nội địa, trong đó có khoảng 500 lượt khách quốc tế. Các xã còn lại xây dựng được ít nhất 1 điểm du lịch quy mô phù hợp. Ưu tiên đào tạo 300 lao động có chuyên môn, chuyên nghiệp phục vụ cho du lịch. Du lịch từng bước trở thành lĩnh vực kinh tế quan trọng.

Định hướng đến năm 2035, huyện tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ cho du lịch, trong đó có ít nhất 2 khu du lịch trọng điểm có đầy đủ các dịch vụ đáp ứng nhu cầu lưu trú du lịch cho khoảng 1000 khách/ngày. Khu vực kinh tế dịch vụ – du lịch dần chiếm tỷ trọng cao (đạt khoảng 35%) trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Bạch Thông xác định thực hiện tốt 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: (1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị – xã hội các cấp đối với phát triển du lịch. (2) Xây dựng quy hoạch phát triển du lịch đồng bộ, khoa học, khai thác tối đa tiềm năng du lịch của huyện. (3) Huy động mọi nguồn lực từ ngân sách và các nguồn hợp pháp của các tổ chức, cá nhân và Nhân dân tham gia phát triển hạ tầng du lịch và dịch vụ. (4) Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch. (5) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch, đổi mới cách thức quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch. (6) Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của Bạch Thông

Với chủ trương phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của Bạch Thông, trước mắt, huyện tập trung khai thác du lịch lễ hội gắn với du lịch văn hóa, tâm linh. Khôi phục, đổi mới, bổ sung cả về quy mô, nội dung, hình thức tổ chức Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông và Lễ hội Lồng tồng Hà Vị. Từng bước xây dựng đền Slấn Slảnh, đền Quán Táy (thị trấn Phủ Thông), chùa Hoa Sơn (xã Vi Hương) trở thành điểm du lịch văn hóa, tâm linh.

Màn rước mâm cỗ tại Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông

Cùng với đó, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch “Về nguồn”, “Địa chỉ đỏ” thu hút du khách đến tham quan, giáo dục truyền thống tại hai di tích lịch sử cấp quốc gia là di tích đồn Phủ Thông, di tích lịch sử Nà Tu và Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn để thúc đẩy các loại hình du lịch khu vực lân cận.

Huyện tiếp tục hoàn thiện, đưa vào khai thác điểm du lịch nông thôn mới thôn Phiêng An (xã Quang Thuận); xây dựng điểm dừng chân trải nghiệm văn hóa dân tộc Dao (thôn Bản Chiêng xã Đôn Phong) trên tuyến du lịch hồ Ba Bể; xây dựng điểm du lịch sinh thái tại xã Vi Hương. Từng bước phục dựng khu chợ Phủ Thông cũ (Phố Chính, Phố Đầu Cầu) thành chợ du lịch phố cổ, tổ chức các hoạt động chợ đêm, hội quán, phố đi bộ vào cuối tuần, từng bước xây dựng thị trấn Phủ Thông thành trung tâm du lịch kết nối với điểm du lịch Vi Hương và các xã lân cận.

Ngoài ra, huyện sẽ phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ như thành lập các câu lạc bộ, các nhóm diễn xướng, nghệ nhân dân gian, đội văn hóa, văn nghệ biểu diễn các di sản văn hóa phi vật thể phục vụ du khách để phát triển loại hình du lịch văn hóa, giải trí. Xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, các sản phẩm OCOP của huyện phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách tại mỗi điểm du lịch. Khuyến khích phát triển dịch vụ lưu trú, ẩm thực, mua sắm… tại các vùng trọng điểm (Phủ Thông, Cẩm Giàng, Vi Hương, Đôn Phong). Tổ chức hoạt động du lịch thể thao chinh phục đỉnh Phja Bjoóc định kỳ hằng năm tại xã Vi Hương.

Giai đoạn sau năm 2030, huyện Bạch Thông sẽ khảo sát, quy hoạch, kêu gọi đầu tư hình thành sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe kết hợp du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh tại xã Vi Hương; đầu tư, đưa vào khai thác các điểm có tiềm năng du lịch tại Đôn Phong, Tân Tú, Lục Bình, Mỹ Thanh, Vũ Muộn, Sĩ Bình …

Với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao trong Nhân dân, huyện Bạch Thông sẽ khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân địa phương./.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn (Tác giả Hương Dịu)

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content