Hệ thống kết cấu hạ tầng tỉnh Bắc Kạn

Hệ thống kết cấu hạ tầng tỉnh Bắc Kạn

  1. Hạ tầng giao thông: Mạng lưới giao thông toàn tỉnh phát triển được trên 3.000 km đường, gồm: 04 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài hơn 458,29 km (QL3, QL3B, QL279); 14 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 480,75 km; 49 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 462 km; 3.120 km đường xã, thôn bản; 01 tuyến đường thủy nội địa địa phương sông Năng – hồ Ba Bể dài 38,4 km; có 58 km đường đô thị. Tỉnh Bắc Kạn không có đường hàng không và hệ thống đường sắt.

Đến năm 2020 thực hiện vận chuyển được 10.143 nghìn tấn hàng hóa và 8.725 nghìn lượt khách, luân chuyển được 149.390 nghìn tấn hàng hóa.km và 397.313 nghìn khách.km, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, tạo thuận lợi cho giao thương phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương.

  1. Hạ tầng phát triển công nghiệp

* Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn có 01 khu công nghiệp – KCN Thanh Bình, giai đoạn I với diện tích 73,5 ha đã được đầu tư hoàn chỉnh, tương đối đồng bộ và đưa vào sử dụng với 09 dự án, trong đó có 02 dự án đầu tư nước ngoài. Hiện nay tỉnh đang tiếp tục kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp giai đoạn II với quy mô 80,3 ha để thu hút các dự án đầu tư để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Về cụm công nghiệp, tỉnh đã ban hành Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có 21 cụm công nghiệp được quy hoạch đến năm 2025 với tổng diện tích là 488,9 ha; hiện nay tỉnh đã thành lập được 03 cụm công nghiệp với tổng diện tích 130 ha và đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư để xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

* Hạ tầng năng lượng: Hệ thống hạ tầng cung cấp điện của tỉnh luôn được đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, đến nay có 100% số xã có điện lưới quốc gia; tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97,39%.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.706,18 km đường dây 35kV và 47,39km đường dây 22kV; có 01 đường dây mang tải 66,1%; các đường dây trung thế mang tải dưới 50%; có 1.183 TBA với tổng dung lượng 199.119,5kVA; có 04 nhà máy thủy điện đang vận hành phát điện (gồm: Thủy điện Tà Làng công suất: 4,5MW; thủy điện Nậm Cắt công suất: 3,2MW; thủy điện Thượng Ân công suất: 2,4MW; thủy điện Thác Giềng 1 công suất: 5,5MW); có 02 công trình thủy điện được chấp thuận chủ trương đầu tư (gồm thủy điện Khuổi Nộc công suất: 6,6MW và thủy điện Thác Giềng 2 công suất: 4MW).

Nhìn chung, với sự phát triển hệ thống lưới điện đã cơ bản đảm bảo cho việc sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, từng bước phát triển kinh tế – xã hội, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

  1. Hạ tầng ngành nông nghiệp

* Hạ tầng thủy lợi: Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 2.415 công trình thủy lợi, trong đó có 34 hồ chứa, đập dâng, kênh và trạm bơm; có 113 công trình kè bờ sông, suối. Tổng số chiều dài kênh mương 2.328 km, trong đó được kiên cố hóa là 1.041 km (chiếm 44,7%), trong đó diện tích đất được tưới và tiêu nước chủ động đạt 87%.

* Hạ tầng xây dựng nông thôn: 88% đường xã, từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa, 51% đường trục thôn, liên thôn, 29% đường ngõ xóm và 6,8% đường nội đồng được cứng hóa… Đến nay cả tỉnh có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 75 thôn nông thôn mới và thành phố Bắc Kạn là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới..

* Hạ tầng nhằm phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 108/108 xã, phường thị trấn thành lập được đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã; có 08 trạm đo mực nước, 57 trạm đo mưa, trong đó có 41 trạm đo mưa tự động đã góp phần tăng cường cảnh báo mưa lũ đạt hiệu quả.

  1. Hạ tầng ngành thương mại và du lịch

Trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số 65 chợ (gồm: 01 chợ hạng 1, 04 chợ hạng 2 và 60 chợ hạng 3); có 01 Trung tâm thương mại VincomPlaza hạng 3 và 02 siêu thị hạng 3 đang hoạt động kinh doanh; ngoài ra tại các địa bàn trung tâm thị trấn, thị tứ, thành phố còn hình thành mạng lưới kinh doanh cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tự chọn, cửa hàng kinh doanh tổng hợp… Sự hình thành của các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho thương mại bán lẻ trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao văn minh thương mại và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt trên địa bàn tỉnh.

Đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 225 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 25 khách sạn (có 01 khách sạn 3 sao), 200 nhà nghỉ du lịch và nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê với tổng số 2.173 phòng, buồng và 3.673 giường; 2.000 nhà hàng ăn uống; hơn 200 cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe; có 10 đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh du lịch và 03 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành du lịch./.

 

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content