Đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp

Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh tại tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực thi đúng, đầy đủ những quy định về điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hoá; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đầy đủ, đúng các quy định mới về điều kiện kinh doanh.

Để tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý kinh tế – xã hội, trong đó có các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình tổng thể cải cách hành chính. UBND tỉnh đã ban hành quy định về trách nhiệm và đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, và các xã, phường, thị trấn trong thực hiện nhiệm vụ CCHC nhà nước trên địa bàn tỉnh. Bộ máy các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Vị trí việc làm các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thường xuyên được rà soát sắp xếp theo quy định. Đến nay, tỷ lệ cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh bố trí công chức đúng vị trí việc làm đạt 95%.

Công tác cải cách thủ tục hành chính được quan tâm đẩy mạnh. TTHC được kiểm soát chặt chẽ trước khi ban hành và thường xuyên rà soát đơn giản hóa; việc rà soát thống kê, công bố TTHC thực hiện kịp thời theo quy định. Từ năm 2016 đến tháng 3/2020, tỉnh đã thực hiện rà soát và kiến nghị Trung ương đơn giản hóa 267 TTHC (nội dung đơn giản hóa chủ yếu là giảm số lượng, thành phần hồ sơ, mức phí, lệ phí, thời hạn giải quyết…). Các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp được rút ngắn thời gian giải quyết so với thời gian quy định. Cụ thể, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp đã rút ngắn xuống còn 01 ngày làm việc; thời gian cấp Quyết định chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh được rút ngắn còn 12 ngày; rút ngắn thời gian giải quyết TTHC đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu từ 30 ngày xuống còn không quá 20 ngày; đăng ký bổ sung tài sản vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp từ 20 ngày xuống còn không quá 14 ngày; cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản từ 90 ngày xuống còn không quá 60 ngày; thẩm định nhu cầu sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn không quá 23 ngày; thời gian phê duyệt trữ lượng khoáng sản rút ngắn từ 185 ngày xuống còn 150 ngày; thời gian cấp phép xây dựng rút ngắn từ 30 xuống còn 20 ngày; thời gian hoàn thuế còn dưới 117 giờ/năm; thời gian thu nộp bảo hiểm xã hội được rút ngắn xuống còn 45giờ/năm; thời gian cấp điện lưới trung áp đến giảm từ 10 ngày xuống dưới 7 ngày, trung bình thực hiện là 5 ngày.

Thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua bộ phận một cửa, một cửa liên thông trong các cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống phần mềm “Một cửa điện tử”, “Một cửa điện tử liên thông” và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao hiện nay đã triển khai cho 132 đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã, đảm bảo liên thông giải quyết hồ sơ TTHC giữa 3 cấp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; cho phép người dân nộp hồ sơ, tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ đã nộp và nhận kết quả trực tuyến trên mạng Internet; đồng thời được kết nối đến hệ thống quản lý cung cấp dịch vụ bưu chính công ích. Thủ tục hành chính cụ thể liên quan đến đầu tư và kinh doanh, các quy định, chính sách, quy hoạch của tỉnh và địa phương đều được công khai trên website của các sở, ngành, địa phương. Số cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh có website đạt trên 90%. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực truyến mức độ 3 ở cấp tỉnh đạt 77%, ở cấp huyện đạt 81%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ở cấp tỉnh đạt 24%, ở cấp huyện đạt 9%; thực hiện thủ tục hành chính qua mạng đạt trên 90%; cắt giảm khoảng 60% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Qua đó, việc liên hệ công tác của các cá nhân, tổ chức được thực hiện thuận lợi, minh bạch và giảm đáng kể chi phí, thời gian hơn với trước đây.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, hướng tới xây dựng Chính quyền điện tử, đến nay, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc TDOffice đã triển khai cho 621 đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã; hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh được nâng cấp hiện đại, hiện tại có trên 7.000 tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức và tài khoản tổ chức của các cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể từ cấp tỉnh đến cấp xã. Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và trang/cổng TTĐT của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố được duy trì hoạt động ổn định. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn có 8 trang TTĐT khối đảng, đoàn thể, 38 trang và chuyên trang TTĐT cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp; 08 trang TTĐT các huyện, thành phố, giúp người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân thuận tiện trong việc truy cập, tra cứu thông tin, sử dụng, tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND huyện, thành phố đã thực hiện nghiêm việc tổ chức triển khai thực hiện đường dây nóng và hòm thư công vụ tiếp nhận thông tin của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh về tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp,  UBND tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra các sở, ban, ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thành tra chuyên ngành xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm có trọng tâm, trọng điểm; xác định rõ đối tượng, nội dung, thời kỳ thanh tra, kiểm tra và thời gian tiến hành; nội dung thanh tra, kiểm tra đảm bảo tránh trùng lặp, tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp không quá 01 lần/năm theo chỉ thị số 20/CT-TTG ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.

Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất,
kinh doanh
(Ảnh: Các sản phẩm ocop của Bắc Kạn bán rộng rãi trên thị trường)

Bên cạnh đó, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức các Hội nghị đối thoại giữa Lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân, trung bình mỗi năm tỉnh tổ chức 02 Hội nghị, đồng thời hằng năm tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Xác định doanh nghiệp là động lực trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục xác định tập trung đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức tiếp nhận, thụ lý giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, chú trọng tính chuyên nghiệp về chuyên môn và ý thức trách nhiệm hành chính, đạo đức nghề nghiệp và giao tiếp, ứng xử. Đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh./.

Nguyễn Thị Nga

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content