Tăng cường vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với kinh tế tập thể

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Bắc Kạn đã nâng cao trách nhiệm trong việc quán triệt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của nhà nước về kinh tế tập thể hợp tác xã, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho toàn đảng bộ và nhân dân nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, số lượng và chất lượng hoạt động của HTX đã tăng đều qua các năm.

Tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện đúng tiến độ việc tổ chức lại HTX theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. Đến 30/6/2016, 100% các HTX trên địa bàn được tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Đến ngày 25/12/2020, toàn tỉnh có 234 HTX, tăng 132 HTX so với năm 2016. Cơ cấu tổ chức của HTX được đảm bảo theo quy định. HTX được cung cấp dịch vụ đầu vào như: Giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi… và được bao tiêu sản phẩm đầu ra, tìm kiếm việc làm trong HTX, thu nhập của thành viên tương đối ổn định, tạo được niềm tin của thành viên và cộng đồng vào hoạt động của HTX.

Các hoạt động hỗ trợ nhân lực cho hợp tác xã được quan tâm đẩy mạnh. Từ 01/7/2018 đến 31/12/2020, mỗi HTX được hỗ trợ thuê 01 lao động có trình độ cao đẳng trở lên về làm việc tại HTX, thời hạn hỗ trợ tối đa 30 tháng. Đến ngày 25/12/2020, tỉnh đã triển khai hỗ trợ nguồn nhân lực cho 43 HTX với tổng kinh phí đã thực hiện 3,8 tỷ đồng. Cơ bản các HTX sử dụng nguồn nhân lực đúng mục đích, hoạt động đúng quy định của pháp luật. Các HTX được hỗ trợ nguồn nhân lực tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng có hiệu quả, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trư­ớc, tổ chức phân phối lợi nhuận theo quy định, góp phần tăng tr­ưởng kinh tế và giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho thành viên, ngư­ời lao động.

Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng thương mại và tín dụng chính sách đã góp phần đáp ứng một phần nhu cầu vốn mở rộng sản xuất kinh doanh và thu hút, tạo thêm việc làm mới tại các HTX, là động lực khuyến khích, hỗ trợ mô hình kinh tế tập thể phát triển. Doanh số cho vay HTX giai đoạn 2016 – 2020 là 38.462 triệu đồng; doanh số thu nợ là 29.938 triệu đồng. Dư nợ cho vay HTX đến 31/8/2020 đạt 14.000 triệu đồng với 18 HTX, chiếm 0,15% tổng dư nợ toàn địa bàn, tăng 140% so với 31/12/2015. 

Trong giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh có trên 50 HTX được hỗ trợ trang thiết bị, máy móc, kinh phí hỗ trợ là trên 27 tỷ đồng qua các nguồn, như: Nguồn khuyến công của Sở Công Thương; nguồn hỗ trợ từ các Đề án, dự án của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh; nguồn từ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; từ nguồn xây dựng nông thôn mới, nguồn của Liên minh HTX Việt Nam, nguồn của địa phương và nguồn khác… Các HTX được hỗ trợ chủ yếu là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản như: HTX chế biến dong riềng, HTX chế biến nông sản, HTX sản xuất trong nông nghiệp…

Đặc biệt, nhờ sự tác động của hệ thống chính trị trong triển khai Chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” đã mang lại diện mạo mới cho sản phẩm của các HTX về cả chất lượng, hình thức và số lượng. So với năm 2016, đến nay đã có 57 HTX với 93 sản phẩm OCOP (chiếm tỷ lệ 70,1% sản phẩm OCOP cấp tỉnh), các sản phẩm phong phú, đa dạng, được người tiêu dùng đánh giá cao. Nhiều sản phẩm đã được tiêu thụ ở hệ thống siêu thị Big C như: Măng nứa tép Mai Lạp, Măng ớt đỉnh đèo gió, Cam đường canh, Trà mướp đắng rừng Bắc Kạn, Gạo nếp Khẩu nua lếch Ngân Sơn, Bánh gạo nương Thanh Yên, Phở khô Quỳnh Niên, miến dong Tài Hoan. Đặc biệt, sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan đã xuất khẩu vào thị trường Châu Âu.

Toàn tỉnh đã có 06 HTX xây dựng mô hình HTX kiểu mới sản xuất gắn với chuỗi giá trị với kinh phí hỗ trợ là 300 triệu đồng/mô hình, cụ thể: HTX Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Hợp Thành Thanh Vận, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới với chuỗi giá trị chuối tây; HTX Chè Mỹ Phương, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể với chuỗi giá trị chè an toàn; HTX Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Dương Phong, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông với chuỗi giá trị cam quýt; HTX Nông nghiệp Tân Thành, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn với chuỗi giá trị tinh bột nghệ; HTX Trần Phú, xã Hảo Nghĩa, huyện Na Rì với chuỗi giá trị gà thả đồi; HTX dịch vụ và phát triển nông nghiệp Pác Nặm, xã Bộc Bố, huyện  Pác Nặm với chuỗi giá trị xúc xích thịt lợn. 05/06 HTX đã có 10 sản phẩm xếp hạng từ 3 sao OCOP cấp tỉnh trở lên, mang lại hiệu quả kinh tế, là điểm thăm quan học tập cho nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh. Điển hình như HTX Nông nghiệp Tân Thành, năm 2019 – 2020 bao tiêu cho 300 hộ dân với gần 100 ha nghệ, sản lượng đạt hơn 1.000 tấn nghệ/năm; xây dựng 01 cửa hàng tại tỉnh và 20 đại lý giới thiệu và bán sản phẩm tinh bột nghệ tại các tỉnh bạn; doanh thu hơn 7 tỷ đồng, thu nhập thành viên trung bình đạt 5 triệu đồng/tháng, tạo công ăn việc làm cho 70 lao động địa phương; 02 sản phẩm tinh bột nghệ của HTX Nông nghiệp Tân Thành đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh, 01 sản phẩm đạt thương hiệu nông nghiệp vàng Việt Nam.

Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ HTX, trọng tâm là chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực, đất đai, vốn sản xuất kinh doanh khuyến khích tăng quy mô hoạt động của HTX, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trọng tâm là xây dựng và triển khai đề án Đề án củng cố, phát triển HTX trên địa bàn tỉnh./.

Nguyễn Nga

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content