Tăng cường hợp tác phát triển các lĩnh vực phù hợp thế mạnh địa phương

Thời gian qua, việc thực hiện các nội dung hợp tác với thành phố Hà Nội đã giúp Bắc Kạn thúc đẩy phát triển các lĩnh vực phù hợp thế mạnh của mỗi địa phương trong tỉnh.

Tỉnh Bắc Kạn và thành phố Hà Nội thực hiện ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2007 – 2010 tại Thỏa thuận hợp tác số 196/HT-UBND/HN-BK ngày 26/6/2007 và tiếp tục thống nhất hợp tác giữa hai tỉnh, thành phố giai đoạn 2012-2015 tại Thông báo số 63/TB-UBND ngày 22/3/2012 của UBND thành phố Hà Nội về kết quả buổi làm việc giữa đoàn đại biểu lãnh đạo Thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Kạn về một số nội dung hợp tác phát triển giữa hai tỉnh, thành phố giai đoạn 2012 – 2015.

Thực hiện các nội dung hợp tác, hai địa phương đã tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, cùng hợp tác chia sẻ, hỗ trợ về công nghệ sản xuất, cung cấp giống cây trồng có chất lượng, nâng cao năng suất, chất lượng, hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tham  gia các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa,… qua đó đã giúp cho một số đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn kết nối tiêu thụ sản phẩm được với thị trường Hà Nội, như các sản phẩm: Chuỗi thịt lợn sạch, thịt gà, các loại rau, dưa chuột, cam quýt, chè búp; các sản phẩm chế biến như miến dong, bột nghệ, rượu các loại… Năm 2018, Bắc Kạn đã tổ chức thành công tuần lễ cam, quýt và các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn trong khuôn khổ hội chợ vùng miền năm 2018 tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp thành phố Hà Nội, qua đó đã tạo cơ hội cho các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu mối, kinh doanh các mặt hàng nông sản, chế biến của tỉnh Bắc Kạn được gặp gỡ, giao lưu, kết nối tìm kiếm đối tác, ký kết giao thương, tiêu thụ sản phẩm của Bắc Kạn tại thị trường Hà Nội.

Tuần lễ cam, quýt và các sản phẩm tỉnh Bắc Kạn được tổ chức tại Hà Nội năm 2018 (Ảnh st)

Thực hiện Chương trình hợp tác của tỉnh Bắc Kạn với Thành phố Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn phục vụ người tiêu dùng tại Bắc Kạn từ tháng 6/2008 đến tháng 6/2010 tại huyện Ba Bể tỉnh Bắc Kạn. Sau 02 năm triển khai, dự án đã điều tra, đánh giá được tình hình sản xuất, tiêu thụ rau của tỉnh Bắc Kạn, đưa ra được phương hướng phát triển cho sản xuất rau của tỉnh Bắc Kạn; hoàn thiện 14 quy trình cho 14 chủng loại rau, các quy trình đã được nghiệm thu và được đánh giá có tính thực tiễn cao và được khuyến cáo áp dụng trong thực tế sản xuất tại tỉnh Bắc Kạn; đào tạo tập huấn được 300 lượt người về nguyên tắc và quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn; xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn 10ha với 14 chủng loại rau tại tiểu khu 1 thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể và tổ chức cấp chứng chỉ cho 14 chủng loại rau tại mô hình.

Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp với một số viện, trường ở Hà Nội triển khai một số dự án khoa học công nghệ, góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Kạn, như các dự án về cây ăn quả, quýt Bắc Kạn, hồng không hạt Bắc Kạn; về cây lương thực phục tráng một số giống lúa địa phương chất lượng cao như Lúa nếp Khẩu Nua Lếch, Bao Thai Chợ Đồn và chọn tạo một số giống lúa thuần chủng chất lượng.

Bên cạnh đó, hai tỉnh đã đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hà Nội đến nghiên cứu, gặp gỡ, trao đổi thông tin để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp Hà Nội đã đến đầu tư và thực hiện một số dự án công nghiệp tại tỉnh Bắc Kạn, như: Dự án đầu tư Nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn của Công ty TNHH Ngọc Linh; Dự án thủy điện Thác Giềng 1&2; Dự án thủy điện Pác Cáp.

Trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, Sở Công Thương Bắc Kạn đã tổ chức nhiều đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm tại Hà Nội về mô hình phát triển làng nghề truyền thống và tham quan mô hình sản xuất một số mặt hàng mà Bắc Kạn có tiềm năng như mặt hàng chế biến nông sản (miến dong, tinh bột sắn), mặt hàng chế biến lâm sản (hàng mây, tre, nứa đan, gỗ mỹ nghệ ). Hà Nội cũng đã cử nhiều nghệ nhân lên dạy và truyền nghề, như: Tổ chức 01 lớp đào tạo nghề sản xuất miến dong cho 35 lao động nông thôn tại Hợp tác xã sản xuất chế biến dong riềng Côn Minh, xã Côn Minh, huyện Na Rì (năm 2013); tổ chức 01 lớp đào tạo nghề sản xuất đũa gỗ xuất khẩu cho 35 lao động nông thôn tại thành phố Bắc Kạn (năm 2014).

Trong lĩnh vực giáo dục, ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội đã tặng tỉnh Bắc Kạn 300 triệu đồng để hỗ trợ các cháu học sinh nghèo mua sách và đồ dùng học tập; hỗ trợ tỉnh xây dựng nhà nội trú trường THPT Yên Hân, Chợ Mới với tổng kinh phí đã hỗ trợ 3 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hỗ trợ tỉnh đầu tư xây dựng một số trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh như: Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á đã hỗ trợ trên 5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng trường mầm non thị trấn Chợ Mới và Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh đã hỗ trợ 5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng trường mầm non Cao Sơn, huyện Bạch Thông. Các công trình đều đã hoàn thành và đi vào sử dụng. Trong năm 2018, Thành phố Hà Nội đã phối hợp với Sở GD&ĐT trao tặng học sinh các trường nội trú với số tiền 100 triệu đồng. Trong năm 2019, Trường Liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội hỗ trợ xây dựng một số hạng mục tại Trường Tiểu học Đồng Phúc, huyện Ba Bể giá trị 1 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực y tế, Ngành Y tế Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ đào tạo chuyên sâu, đào tạo nâng cao trình độ cho các cán bộ y tế của Bắc Kạn, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực kiện toàn củng cố hệ thống y tế cơ sở, khám chữa bệnh, chuyển giao một số kỹ thuật điều trị trình độ cao, tặng ngành y tế Bắc Kạn 01 máy điện tim để điều trị và khám chữa bệnh cho nhân dân.  Năm 2018 cử 02 bác sỹ thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh tham gia khóa đào tạo thực hành tim mạch 18 tháng tại Bệnh viện Tim Hà Nội; tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh.

Trong lĩnh vực du lịch, tỉnh Bắc Kạn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại tỉnh. Tăng cường tổ chức quảng bá xúc tiến du lịch Bắc Kạn tại thị trường Hà Nội với nhiều hình thức như: Tham gia giới thiệu, xúc tiến du lịch tại các Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội (VITM); tổ chức khảo sát điểm đến; trao đổi, chia sẻ và cung cấp thông tin về hoạt động du lịch; thực hiện các phóng sự, videoclip giới thiệu về văn hóa, du lịch Bắc Kạn; tham gia và tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, liên kết phát triển du lịch….

Trong lĩnh vực văn hóa, Thành phố Hà Nội cũng đã hỗ trợ tỉnh xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Nà Tu, Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông với kinh phí hỗ trợ là 5,2 tỷ đồng; khu di tích đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2011.

Nhằm đưa hoạt động hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa hai tỉnh ngày càng thiết thực và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh mỗi bên, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, hỗ trợ trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, cùng hợp tác chia sẻ, hỗ trợ về công nghệ sản xuất; vận động các doanh nghiệp có năng lực đến đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn để tạo mặt bằng thu hút các dự án đầu tư; mời gọi các doanh nghiệp Hà Nội tiếp tục đến nghiên cứu, đầu tư các dự án chế biến sâu, thiết bị hiện đại, thân thiện với môi trường sử dụng nguyên liệu mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế như: Nông, lâm sản, dược liệu, vật liệu xây dựng… góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương./.

Nguyễn Nga

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content