Bắc Kạn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp

Giai đoạn 2016 – 2020, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 99 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chiếm tỷ lệ 38,22% tổng số doanh nghiệp với có 16/71 dự án đầu tư vào lĩnh vực này. Nhìn chung, các doanh nghiệp/dự án nông nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn phối hợp cùng với người dân để sản xuất được kỳ vọng sẽ góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa có lợi cho cả doanh nghiệp và người dân địa phương.

Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là chủ trương lớn của Đảng và đã được chỉ đạo cụ thể tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ đã ban hành các Nghị định nhằm khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 4/6/2020, Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 và hiện nay là Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có một số quy định đặc thù nhằm thu hút tối đa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, cụ thể như: Doanh nghiệp thực hiện dự án trên cơ sở định mức hỗ trợ của nhà nước và được hỗ trợ sau đầu tư. Hỗ trợ tập trung đất đai, hỗ trợ doanh nghiệp có dự án nông nghiệp nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất cho các dự án nông nghiệp phù hợp với Luật Đất đai 2013. Hỗ trợ về tín dụng đầu tư là trao quyền cho các địa phương để ban hành chính sách tín dụng cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, căn cứ khả năng ngân sách địa phương để hỗ trợ chênh lệch lãi suất vay thương mại, các công trình của dự án được tính làm tài sản thế chấp để vay vốn. Đồng thời, hỗ trợ mạnh cho phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ. Hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản, hỗ trợ đầu tư một số kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn nhằm xã hội hóa dịch vụ công như hỗ trợ đầu tư nước sạch, xử lý môi trường nông thôn…

Trên cơ sở Nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều nỗ lực trong việc khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11/2015/NQ-HĐND ngày 3/4/2015 quy định một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 17/4/2019 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn (thay thế Nghị quyết số 11/2015/NQ-HĐND).

Thực hiện quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, năm 2019 UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-UBND ngày 12/9/2019 về phê duyệt chủ trương đầu tư danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp được lựa chọn là các dự án sản xuất và chế biến nông, lâm sản sử dụng nhiều lao động và nguyên liệu tại địa phương, có quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, liên kết sản xuất tạo ra chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông nghiệp, một số dự án sử dụng công nghệ cao sản xuất nông sản hữu cơ theo mô hình tiên tiến hiện đại. Đến thời điểm hiện tại đã có 14 dự án được phê duyệt danh mục hỗ trợ với tổng số vốn đề nghị hỗ trợ là 36.000 triệu đồng, trong đó có 03 dự án đã triển khai thực hiện và đã được hỗ trợ với tổng mức hỗ trợ là 9.000 triệu đồng, cụ thể: Dự án trang trại lợn giống và lợn thịt siêu nạc; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lâm sản; Nhà máy chế biến gỗ Bắc Kạn

Hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua được tăng cường với việc tham gia các hội thảo, chương trình xúc tiến đầu tư liên ngành, liên vùng do các Bộ, ngành Trung ương tổ chức trong các lĩnh vực kêu gọi đầu tư sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Kạn năm 2017, UBND tỉnh Bắc Kạn đã trao quyết định chủ trương đầu tư và trao chứng nhận cam kết đầu tư cho 19 các nhà đầu tư thực hiện các dự án vào tỉnh Bắc Kạn (trong đó có 08 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn). 

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn xác định tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư. Nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ cùng với việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tập trung thu hút vào các ngành, lĩnh vực có ưu thế của từng vùng, các chương trình dự án lớn đảm bảo môi trường và có sức lan tỏa, hiệu quả trong hội nhập kinh tế quốc tế. Ưu tiên thu hút đầu tư các chuỗi sản xuất có công nghệ cao; huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng, dịch vụ du lịch, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Về nội dung đầu tư, Bắc Kạn xác định tiếp tục thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh, ưu tiên thu hút các dự án phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Bắc Kạn, phù hợp với quy hoạch và phát triển bền vững. Trong đó, ưu tiên kêu gọi thực hiện các dự án nuôi, trồng, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp (chè chất lượng cao, chế biến rau, củ, hoa quả, miến dong, trồng cây dược liệu, gỗ lớn, phát triển chăn nuôi gia súc theo mô hình tập trung, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy, tập trung phát triển rừng sản xuất…). Ưu tiên các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa: trồng rừng, bảo vệ rừng; trồng cây dược liệu; chăn nuôi gia súc, gia cầm; khu chế biến thức ăn gia súc gia cầm; xây dựng trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cao phục vụ việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có khả năng xuất khẩu…

Để làm được điều đó, tỉnh đã và đang đẩy mạnh công khai, minh bạch thủ tục hành chính, thời gian giải quyết, các cơ chế chính sách, quy hoạch ngành, lĩnh vực các dự án ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo mô hình một cửa, một cửa liên thông, nghiêm túc thực hiện nguyên tắc “Không gây phiền hà, sách nhiễu”; “Không trả hồ sơ quá một lần trong quá trình tiếp nhận, thẩm định và trình duyệt dự án” và “Không trễ hẹn”. Bên cạnh đó, tăng cường các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như: Tiếp cận nguồn vốn, hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động tín dụng giữa các doanh nghiệp và ngân hàng; tư vấn lập hồ sơ dự án đầu tư, tư vấn các thủ tục pháp lý liên quan trong quá trình thực hiện dự án đầu tư; giải quyết nhanh gọn các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp; thường xuyên nắm bắt và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp…./.

Nguyễn Thị Nga

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content