Được thiên nhiên ưu đãi phong cảnh hữu tình, cảnh quan tươi đẹp với dòng suối mát lành nơi thượng nguồn sông Cầu là lợi thế để phát triển du lịch sinh thái tại huyện Chợ Đồn.
Nhánh suối chảy từ dãy núi Phja Khao len lỏi qua các tảng đá lớn nhỏ
Sông Cầu, miền xuôi còn gọi sông Như Nguyệt hay dòng sông Quan họ, là con sông quan trọng nhất trong hệ thống sông Thái Bình, có ý nghĩa to lớn với đồng bằng sông Hồng và lưu vực của nó. Khởi nguồn từ Bắc Kạn, qua Thái Nguyên, con sông hiền hòa uốn mình chảy về miền xuôi qua các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương… mang lại giá trị lớn cho địa phương nơi con sông đi qua.
Một ngày hè tháng 6, chúng tôi có dịp đi đến thượng nguồn của dòng sông Cầu, nơi có dãy núi Phja Khao, dãy Tam Tao hùng vĩ. Theo tuyến Quốc lộ 3B từ thành phố Bắc Kạn vào huyện Chợ Đồn, đến xã Phương Viên, chúng tôi men theo con đường nông thôn mới được đầu tư xây dựng khang trang. Từ trung tâm xã đến thôn Bằng Viễn 1, đoàn chúng tôi vẫn theo cung đường sát cạnh dòng sông Cầu uốn lượn qua cánh đồng xanh mướt đang thì con gái, hai bên là những dãy núi hùng vĩ khoác trên mình màu xanh ngút ngàn cây cỏ sau cơn mưa. Bức tranh sơn thủy hữu tình như hiện ra trước mắt. Âm thanh róc rách của tiếng suối chảy qua khe đá hòa cùng tiếng chim tạo nên bản nhạc rừng, tạo cảm giác thư thái không thể nào quên. Từ trung tâm thôn, đi bộ chừng 6 km là đến lưu vực thượng nguồn của dãy Phja Khao. Đầu nguồn sông với khung cảnh hoang sơ như trong truyện cổ tích xa xưa. Chúng tôi dừng chân ở khoảng suối rộng, xung quanh là cây rừng to nhỏ nối tiếp nhau. Dòng suối mát lành len lỏi qua tảng đá lớn, ngay phía dưới là đoạn chảy qua thác ghềnh dữ dội. Lấm tấm mồ hôi sau khi di chuyển chặng đường rừng giữa ngày hè oi ả, ai cũng háo hức tận hưởng không khí trong lành, đắm mình vào dòng suối trong vắt.
Dòng nước mát trong và khung cảnh hoang sơ là điểm đến hấp dẫn du khách
Tự hào về con sông quê hương, bác Văn Tiến Thủ, Trưởng thôn Bằng Viễn 1 giới thiệu với chúng tôi, nơi thượng nguồn sông Cầu bao gồm nhiều nhánh suối tạo nên, trong đó nhánh bắt nguồn từ dãy Phja Khao và dãy Tam Tao có lượng nước nhiều và đẹp hơn cả. Con sông vừa tạo cảnh quan, vừa mang lại nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp của địa phương thêm trù phú.
Theo tiếng Tày, Phja Khao nghĩa là Núi Trắng. Có lẽ hình ảnh mây mù bao phủ trắng đỉnh núi mỗi ngày là hình tượng để đồng bào dân tộc Tày Nùng nơi đây gọi đỉnh núi này với một cái tên hình tượng như vậy.
Còn dãy Tam Tao, nơi ngọn núi có 3 đỉnh với độ cao 1.578 m so với mực nước biển, nhánh suối bắt nguồn từ đây có nhiều thác nước hùng vĩ. Vẫn là dòng suối mát lành, có thể nhìn rõ từng viên sỏi và đàn cá bơi lội thong dong, du khách đến đây sẽ được hòa mình vào thiên nhiên mà ít nơi nào có được. Đây cũng là thế mạnh của địa phương, nếu được đầu tư, khai thác hợp lý sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Nhánh bắt nguồn từ dãy Tam Tao với nhiều thác nước hùng vĩ
Trong chuyến khảo sát mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa cho rằng, với lợi thế về lưu vực đầu nguồn sông với thác nước đẹp, hấp dẫn, đây sẽ là một điểm nhấn để phát triển du lịch. Phó Chủ tịch giao huyện Chợ Đồn chủ trì xây dựng phương án phát triển nông nghiệp gắn với du lịch đầu nguồn sông Cầu, tham vấn quy hoạch phát triển cây trồng để tạo cảnh quan. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ huyện Chợ Đồn lên phương án các điểm dừng nghỉ, cải tạo bãi tắm… để thu hút các nhà đầu tư cũng như khách du lịch đến với địa phương.
Để bảo vệ dòng sông, người dân nơi đây hàng ngàn năm qua đã chung tay bảo vệ rừng, cảnh quan môi trường. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu”. Bắc Kạn là địa phương thực hiện tốt mục tiêu từng bước xử lý ô nhiễm, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường dòng sông, đưa sông Cầu trở lại trong sạch, bảo đảm cân bằng nước phục vụ hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội ở lưu vực, hệ thống dòng chảy ổn định, các công trình thuỷ lợi an toàn, bền vững, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.
Những thửa ruộng cao thấp nối nhau tươi tốt nhờ dòng nước nơi thượng nguồn
Hưởng lợi từ dòng sông, xã Phương Viên, Đồng Thắng với toàn bộ diện tích nông nghiệp nhờ nước tưới tiêu của dòng sông Cầu nên ruộng vườn nơi đây luôn trù phú. Không chỉ cho cá tôm, nguồn nước mát lành ở đầu nguồn sông Cầu còn tạo nên một sản vật quý riêng có của vùng đất này, đó là gạo Bao thai. Đến nay, gạo đã được cấp nhãn hiệu tập thể với tên gọi gạo Bao thai Chợ Đồn, sản phẩm cũng đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh tạo nên giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương. Du khách đến khám phá du lịch đầu nguồn sông Cầu không chỉ được hòa mình vào dòng nước thơ mộng mà còn được mãn nhãn với cánh đồng lúa Bao thai và thưởng thức hạt gạo ngọt thơm, cùng với cá suối sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời mà du khách không thể bỏ qua.
Đi trên con đường xuôi theo dòng sông Cầu trở về thành phố Bắc Kạn, chuyến đi kết thúc đã đọng lại trong mỗi người nhiều ấn tượng khó phai. Hy vọng trong một tương lai không xa, sẽ có nhiều nhà đầu tư đến với Bắc Kạn xây dựng đường vào phía thượng nguồn sông Cầu cùng các điểm dừng chân và cải tạo bãi tắm, lòng sông… để khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương trong thời gian tới./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn (Tác giả Hương Lan)