TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT QUY HOẠCH

Luật Quy hoạch được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 ngày 24/11/2017 là bước đột phá trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ, trong đó xác định quy hoạch là công cụ quan trọng để phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển, nhằm giảm bớt gánh nặng đầu tư công. Luật Quy hoạch là cơ sở pháp lý thống nhất cho việc xây dựng các quy hoạch của thời kỳ 2021 – 2030 và những thời kỳ tiếp theo.

 

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư số 5419/BC-BKHĐT ngày 17/8/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn về triển khai lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 đã được các cấp có thẩm quyền ban hành cơ bản đầy đủ và đồng bộ để các Bộ, ngành, địa phương triển khai công tác quy hoạch. Dự kiến năm 2021, có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia, 1/6 quy hoạch vùng, 26/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành công tác lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện và trình thẩm định trong năm 2022. Sau khi được phê duyệt, các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ trước khi Luật Quy hoạch được ban hành. Các Bộ, ngành, địa phương đã từng bước chuyển đổi linh hoạt hoạt động quản lý nhà nước phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch, theo hướng “Chính quyền là một thể thống nhất”, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp trong hoạt động quản lý nhà nước, tạo dựng môi trường kinh doanh công bằng, thông thoáng với điều kiện kinh doanh đơn giản hóa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Từng bước bãi bỏ quy hoạch về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ, thay thế bằng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành theo nguyên tắc minh bạch, công khai. Nội dung và chất lượng quy hoạch sẽ được cải thiện đáng kể so với trước đây, việc áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ; nâng cao sự gắn kết chiến lược – quy hoạch- kế hoạch- đầu tư; mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới, hình thành các ngành nghề, đầu tư, kinh doanh mới; đảm bảo mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành, vùng lãnh thổ và cả nước.

Mặc dù, bước đầu đã đạt được các kết quả quan trọng nêu trên nhưng tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chưa đạt được yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP. Việc triển khai lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp với nội dung cơ bản là thống nhất lập một quy hoạch trên một địa bàn tỉnh (thay thế cho khoảng 50 quy hoạch ngành, lĩnh vực trước đây), tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực còn có cách hiểu khác nhau, dẫn đến triển khai chậm và lúng túng. Việc phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các Bộ, ngành và địa phương chậm và còn nhiều hạn chế; chưa thúc đẩy được tỉnh liên kết vùng, còn tư duy cục bộ trong quản lý và phát triển; tính linh hoạt, sáng tạo còn yếu. Việc xác định nguồn vốn cho các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành còn chưa thống nhất, chưa bảo đảm nguồn lực cho công tác quy hoạch do các quy hoạch này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch.

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quy hoạch như sau: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch; tập trung nghiên cứu xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành khẩn trương xây dựng và ban hành trong tháng 9/2021 các văn bản về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển và sắp xếp, phân bổ không gian theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các Bộ và UBND các tỉnh hoàn thành lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt quy hoạch trước ngày 31/12/2022.

Hội nghị báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khung thuyết minh chính Quy hoạch tỉnh

Riêng đối với tỉnh Bắc Kạn, thực hiện Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, ngay từ đầu năm 2019, UBND tỉnh Bắc Kạn đã quyết liệt chỉ đạo công tác lập Quy hoạch tỉnh. Tỉnh đã kiện toàn Bộ máy tổ chức chỉ đạo, điều hành lập Quy hoạch tỉnh; nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 907/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 đảm bảo theo đúng thời gian quy định. Theo đó, Tỉnh đã lựa chọn được Đơn vị tư vấn trong nước để thực hiện công tác lập Quy hoạch tỉnh; ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 24/3/2021 về triển khai lập Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó UBND tỉnh đã xây dựng lộ trình chi tiết và giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành và UBND các huyện thành phố thực hiện lập Quy hoạch tỉnh. Đến nay, UBND tỉnh Bắc Kạn đã hoàn thiện Khung thuyết minh chính (báo cáo đầu kỳ) báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào ngày 26/6/2021 và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vào ngày 4/8/2021. Hiện nay Đơn vị tư vấn đang phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng các nội dung đề xuất tích hợp vào quy hoạch tỉnh; dự kiến sẽ hoàn thiện báo cáo giữa kỳ vào cuối tháng 9/2021 và xin ý kiến Bộ, ngành trung ương, các địa phương lân cận trong tháng 11/2021. Phấn đấu hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, trình Hội đồng thẩm định thẩm định Quy hoạch tỉnh vào tháng 12/2021.

Phương Thanh

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content