Phấn đấu đến năm 2025, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt 90% trở lên

Phấn đấu đến năm 2025, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt 90% trở lên

Phấn đấu đến năm 2025, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt 90% trở lên. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết TTHC lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt 80% trở lên; mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 90%; mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ cung cấp y tế, giáo dục công lập đạt tối thiểu 85%… là những mục tiêu được tỉnh Bắc Kạn xác định tại Nghị quyết số 08- NQ/TU ngày 22/4/2021 Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ ba (khóa XII) về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. 

Những kết quả tích cực

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2016 – 2020 và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 26 tháng 4 năm 2016  của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, công tác cải cách hành chính (CCHC), nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực.

Chỉ số CCHC của tỉnh được cải thiện khá rõ nét. Năm 2015 đạt 78,59 điểm, xếp hạng 59/63 tỉnh, thành phố; đến năm 2019 đạt 79,02 điểm, xếp hạng 55/63 tỉnh, thành phố. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng; cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai đồng bộ ở các cấp. Bộ máy các cơ quan chuyên môn các cấp từng bước được sắp xếp tinh gọn; công tác tuyển dụng công chức, viên chức được đổi mới về hình thức thi tuyển; việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị có sự chuyển biến tích cực so với giai đoạn trước. Hạ tầng công nghệ thông tin được cải thiện, đảm bảo liên thông, tích hợp và chia sẻ dữ liệu.

Công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được quan tâm chỉ đạo và có nhiều chuyển biến tích cực, điểm số PCI tăng từ 53,2 điểm (năm 2015) lên  61,97 điểm (năm 2020). Tỉnh đã từng bước xây dựng được môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Xếp hạng chỉ số CCHC cấp tỉnh hằng năm tăng không ổn định. Tỷ lệ thủ tục hành chính (TTHC) đề nghị đơn giản hóa còn thấp, vẫn còn hồ sơ TTHC giải quyết quá hạn. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy còn mang tính cơ học, hiệu quả chưa cao. Số lượng người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn ít. Xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh không thay đổi nhiều, vẫn thuộc nhóm trung bình so với cả nước. Quỹ đất sạch dành cho thu hút đầu tư còn hạn chế; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Vẫn còn doanh nghiệp phản ánh bị nhũng nhiễu khi giải quyết TTHC tại một số cơ quan, đơn vị; một số doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần trong 1 năm; nội dung thanh tra, kiểm tra còn trùng lặp.

Lộ trình đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025

Để thực hiện có hiệu quả chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh (khóa XII) đề ra và tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong thời gian tới, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ ba (khóa XII) đã thông qua Nghị quyết số 08- NQ/TU ngày 22/4/2021 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.

Mục tiêu chung về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 nhằm  xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hệ thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh. Nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư gắn với cải cách TTHC, tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Theo đó, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt 90% trở lên. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết TTHC lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt 80% trở lên, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 90%; mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ cung cấp y tế, giáo dục công lập đạt tối thiểu 85%.

100% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 80% cuộc họp của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể (trừ các cuộc họp mật) được tổ chức trực tuyến.

Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ 100% đơn vị hành chính cấp xã, trên 80% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt 50% trở lên.

100% TTHC có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4  trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh; 50% TTHC của tỉnh thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia; tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ giải quyết đạt từ 50% trở lên.

Cải thiện mạnh mẽ các chỉ số thành phần của chỉ số PCI, nâng dần vị trí xếp hạng PCI của tỉnh trung bình mỗi năm tăng ít nhất 01 bậc trên bảng xếp hạng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hướng tới nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành khá của cả nước.

Một hệ thống giải pháp đồng bộ, xuyên suốt đã được tỉnh Bắc Kạn xác định tập trung thực hiện theo lộ trình như: Thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC nhằm kiến nghị loại bỏ đơn giản hóa các TTHC còn rườm rà, chồng chéo, gây khó khăn cho người dân, tổ chức; rà soát đánh giá việc thực hiện một số thủ tục về đất đai, xây dựng, phê duyệt chủ trương đầu tư; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý; cắt giảm mạnh các mẫu đơn, tờ khai có nội dung thông tin trùng lặp, các yêu cầu điều kiện có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh để cải thiện môi trường kinh doanh; cắt giảm thời hạn giải quyết của thủ tục để rút ngắn thời gian cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện TTHC.

Nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công và bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh được xác định tập trung thực hiện trong giai đoạn tới. Trong đó có nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính; quán triệt đến công chức, viên chức về tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh xác định hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả cải cách TTHC; chuyển đổi tư duy, nhận thức trên cơ sở chấp nhận dữ liệu số, sử dụng lại dữ liệu số nhằm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác đấu thầu qua mạng tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu TTHC, đẩy lùi tiêu cực. Tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà doanh nghiệp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả cải cách TTHC; đẩy mạnh giải quyết TTHC trực tuyến mức độ 4 nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc giữa cơ quan giải quyết TTHC với doanh nghiệp…

Các chính sách tín dụng ngân hàng sẽ được quan tâm thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.  Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong đó chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ để nâng cao kiến thức về quản trị doanh nghiệp, ý thức tuân thủ pháp luật. Tạo sự bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tiếp cận tín dụng, đất đai và các nguồn lực tài chính của nhà nước./.

Nguyễn Nga

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content