Đấu thầu qua mạng: Ưu thế của thời đại công nghệ thông tin

Đấu thầu qua mạng: Ưu thế của thời đại công nghệ thông tin

Việc đấu thầu qua mạng được đánh giá là mang lại hiệu quả trong cải cách thủ tục hành chính; tăng cường tính công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế; đồng thời nâng cao niềm tin của người dân đối với hoạt động đấu thầu mua sắm công.

Để đạt được mục tiêu hiệu quả kinh tế trong đấu thầu thì việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trong đấu thầu được xem là một khâu đột phá và cần thiết. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với các bên trong đấu thầu mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp – nơi mà thủ tục trong công tác đấu thầu cần nhanh, đơn giản và thuận lợi. Thực tế đang ngày càng đòi hỏi những phương thức đấu thầu mới mang tính cải cách, mới mẻ. Hướng đi mới trong đòi hỏi này chính là tăng cường áp dụng đấu thầu qua mạng. Đấu thầu qua mạng là phương thức mới, phù hợp với xu thế mở cửa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Đấu thầu truyền thống hiện nay còn mang tính “thủ công” và có nhiều thủ tục mà bên mời thầu, chủ đầu tư phải thực hiện, dẫn đến kéo dài thời gian trong đấu thầu. Đấu thầu qua mạng thì ngược lại, đó là ưu thế của thời đại công nghệ thông tin, có nhiều ưu điểm vượt trội. Hệ thống đấu thầu điện tử có thể tự động hóa các quy trình đấu thầu bắt buộc, do đó cả bên mời thầu và nhà thầu không thể can thiệp hay làm thay đổi được các quy trình đấu thầu trực tuyến, mọi thông tin, dữ liệu về hoạt động đấu thầu được thu thập tự động. Đặc biệt, đối với các chủ đầu tư nghiêm túc, muốn chọn nhà thầu đem lại hiệu quả kinh tế thật sự cho gói thầu thì càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Và đấu thầu qua mạng được coi là một lựa chọn hữu dụng trong trường hợp này.

Trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành nhiều Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn về công tác đấu thầu cụ thể, chi tiết để triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động đấu thầu, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư triển khai thực hiện, tạo cơ sở pháp lý áp dụng đồng bộ, thống nhất chính sách đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong toàn bộ quá trình thực hiện các hoạt động đấu thầu, tăng cường cạnh tranh, công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng, hiệu quả kinh tế, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo cơ sở để chủ đầu tư lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm cung cấp hàng hóa, dịch vụ, xây dựng công trình, giúp tiết kiệm nguồn vốn của nhà nước.

Đặc biệt, hiện nay hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, bình đẳng. Việc ban hành các văn bản quy phạm về lĩnh vực đấu thầu qua mạng phù hợp với xu thế hiện nay, tiết kiệm chi phí trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Hình thức đấu thầu qua mạng góp phần tăng thêm tính công khai, minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà thầu, lựa chọn được những nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm phù hợp với tính chất và quy mô gói thầu, tạo động lực để nhà thầu nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh, góp phần nâng cao chất lượng công trình, dự án đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành công trình, dự án đúng kế hoạch đề ra.

Tại tỉnh Bắc Kạn, theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo số 28/BC-KH&ĐT ngày 25/01/2021 về báo cáo hoạt động đấu thầu năm 2020, qua công tác theo dõi tình hình thực hiện công tác đấu thầu cho thấy quá trình thực hiện các đơn vị chủ đầu tư đã thực hiện việc đăng tải thông tin lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả.

Thông tin đấu thầu của tỉnh Bắc Kạn được đăng tải trên mạng đấu thầu quốc gia

Theo số liệu thống kê, năm 2020, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng của các chủ đầu tư, bên mời thầu trên địa bàn tỉnh bảo đảm tổng số lượng các gói thầu đạt 281gói/345gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh chiếm 81,4% và tổng giá trị gói thầu đạt 62,2% tổng giá trị các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh.

Số liệu trên cho thấy các chủ đầu tư, bên mời thầu đã nhận thức rõ hiệu quả mang lại qua việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng. Đồng thời, thể hiện ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về đấu thầu nói chung và chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền trong việc tổ chức đấu thầu qua mạng để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng theo tại Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả và Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 – 2025.

Với việc triển khai thực hiện phương thức đấu thầu qua mạng đã mang lại những mặt tích cực đối với công tác triển khai đấu thầu qua mạng trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu đã được nâng lên đáng kể, mang lại hiệu quả kinh tế trong đấu thầu, kiệm một phần ngân sách cho địa phương, đem đến hiệu quả cao hơn trong đầu tư phát triển, mua sắm công; đồng thời góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội, cải cách thủ tục hành chính của tỉnh./.

Nguyễn Nga

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content