Bắc Kạn tập trung đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có lợi thế phục vụ xuất khẩu trong giai đoạn 2021-2025
Trong những năm qua, hoạt động xuất khẩu đã đạt được một số kết quả nhất định. Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh giai đoạn 2016-2020 đạt 11,841 triệu đồng, tăng trưởng bình quân đạt 1,05%/năm; riêng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,5 triệu USD, đạt 250% kế hoạch, tăng 32,75 lần so với năm 2015 và cao gấp 1,67 lần so với kim ngạch nhập khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh là chì thỏi, đũa gỗ, gỗ dán ép, ván bóc, miến dong, củ quả, hoa quả qua chế biến (Curcumin nghệ; mơ; kiệu sơ chế,…). Nhưng nhìn chung, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh còn nhiều khó khăn, không ổn định, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu còn hạn chế cả về quy mô và số lượng; thị trường xuất khẩu còn nhỏ hẹp, mặt hàng xuất khẩu còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2021-2025 và thực hiện mục tiêu phát triển xuất khẩu trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch phát triển xuất khẩu tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu phát triển xuất khẩu của tỉnh là “Tiếp tục thúc đẩy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu; tập trung đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có lợi thế phục vụ xuất khẩu như: Sản phẩm gỗ rừng trồng, hàng nông sản chế biến; kim loại chì, kẽm; sản phẩm dệt may,… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành sản xuất phát triển. Củng cố, mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào thị trường các nước tham gia các FTA như CPTPP, EVFTA và UKVFTA…; chủ động, tích cực tham gia vào chuỗi giá trị hàng hoá toàn cầu nhằm tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu hàng hoá”.
Phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt từ 20 triệu USD trở lên, tốc độ tăng bình quân 10%/năm; trong cơ cấu hàng xuất khầu, nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng 90%, nhóm hàng nông sản chế biến chiếm 10%.
Tỉnh Bắc Kạn xác định các mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu giai đoạn 2021-2025, đó là: Các nhóm, ngành hàng có lợi thế về nguyên liệu, có giá trị gia tăng cao như; các sản phẩm từ gỗ (bàn, ghế, thanh chi tiết, ván dán, đũa, thìa, dĩa gỗ dùng một lần…); các sản phẩm nông sản đã qua chế biến tinh (miến dong, rau, củ, quả, gừng, nghệ, kiệu); các sản phẩm khoáng sản chế biến (kim loại chì, kẽm, bột đá cacbonat,…).
Kế hoạch phát triển xuất khẩu xác định 04 định hướng phát triển mặt hàng xuất khẩu và 04 thị trường xuất khẩu chính.
04 định hướng phát triển mặt hàng xuất khẩu, gồm: (1) Trục sản phẩm quốc gia là gỗ, chế biến gỗ (bàn, ghế, thanh chi tiết, ván dán, đũa, thìa, dĩa gỗ dùng một lần…) và dược liệu (tinh dầu hồi, quýt, quế, giảo cổ lam,…); (2) Trục sản phẩm địa phương là các sản phẩm miến dong, quả tươi và sản phẩm chế biến từ cam quýt, hồng, mận, mơ và chuối, chè, các sản phẩm từ nghệ (tinh bột, Curcumin); (3) Trục sản phẩm đặc sản, đặc hữu như rau, củ, quả, gạo; (4) Các sản phẩm khoáng sản chế biến (kim loại chì, kẽm, bột đá cacbonat,…).
04 thị trường xuất khẩu chính, gồm: Thị trường châu Mỹ; thị trường Châu Âu; thị trường Trung Quốc; thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong 9 tháng năm 2021, Hợp tác xã Tài Hoan (xã Côn Minh, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) đã xuất khẩu 10,5 tấn miến dong sang thị trường Châu Âu
Để thực hiện các mục tiêu, định hướng trên, kế hoạch xác định 04 nội dung triển khai, cụ thể: Một là, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp sản phẩm xuất khẩu. Hai là, phát triển các mặt hàng phục vụ xuất khẩu. Ba là, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu. Bốn là, giải pháp phát triển thị trường.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì thực hiện Kế hoạch này, giao Sở Tài chính bố trí kinh phí để thực hiện kế hoạch và giao các Sở, ban ngành, địa phương chủ động triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao./.