Những nữ doanh nhân trong thời kỳ hội nhập

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp của tỉnh đã khẳng định bản lĩnh, tài năng trong sản xuất kinh doanh. Trong đó, nhiều nữ doanh nhân đã phát huy tài năng, trí tuệ, đóng góp cho sự phát triển bền vững của tỉnh khi mang đến những sản phẩm có chất lượng cao vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.

Người đưa sản phẩm nông sản vươn xa ra thị trường quốc tế

Phát triển sản xuất từ làng miến Côn Minh (Na Rì) với 30 năm gắn bó với nghề, chị Nguyễn Thị Hoan đã chèo lái con thuyền Hợp tác xã (HTX) Tài Hoan phát triển sản xuất kinh doanh, đưa sản phẩm vươn xa ra thị trường quốc tế.

                           Chị Nguyễn Thị Hoan – Giám đốc HTX Tài Hoan

Chị Hoan chia sẻ, gia đình có truyền thống làm nghề miến từ lâu nhưng chỉ dừng lại ở quy mô hộ gia đình. Tháng 8/2018, chị và các chị em trong xã thành lập HTX Tài Hoan hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới với ngành nghề chính là chế biến tinh bột, sản xuất và kinh doanh miến dong. Từ quy mô nhỏ lẻ với sản lượng khiêm tốn, sau 4 năm hoạt động, đến nay, HTX Tài Hoan đã thu hút 20 thành viên, giải quyết việc làm tại chỗ cho 55 lao động địa phương và liên kết với 500 hộ dân thông qua các hợp đồng trồng và bao tiêu sản phẩm củ dong riềng. Sản phẩm đạt OCOP 5 sao Quốc gia và đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia.

Để mở rộng sản xuất kinh doanh, HTX được đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại từ nhiều nguồn hỗ trợ cùng với nguồn lực của HTX. Được sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương và sự nhạy bén trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tháng 7/2020, HTX Tài Hoan đã ký kết hợp đồng đầu tiên xuất khẩu miến dong Cộng hòa Séc. Tính đến nay, HTX đã xuất khẩu sang thị trường này 31 tấn miến và xuất khẩu theo hình thức liên kết sang thị trường Mỹ 10,5 tấn miến, thị trường Úc 11 tấn. Sản phẩm miến dong của HTX có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhờ đó, thu nhập của các thành viên HTX luôn ổn định. Doanh thu của HTX tăng nhanh, nếu như năm 2018 đạt hơn 5,2 tỷ đồng, đến năm 2021 tổng doanh thu đạt trên 21 tỷ đồng. Năm 2022, dự kiến sản lượng miến của HTX đạt 400 tấn với chất lượng ngày một nâng cao, sản phẩm đa dạng.

Theo chị Hoan, HTX Tài Hoan luôn chú trọng làm tốt từng khâu trong chuỗi sản xuất, từ chọn nguyên liệu, quy trình sản xuất đến phân loại, đóng gói. Để có được nguồn nguyên liệu tốt nhất, HTX liên kết với các vùng trồng tại địa phương để canh tác dong riềng theo quy trình an toàn. Miến dong Tài Hoan được sản xuất theo phương pháp truyền thống, quy trình khép kín với 100% từ tinh bột dong riềng, tuyệt đối không pha trộn thêm bất cứ loại bột nào khác.

Nỗ lực trong phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, chị Hoan và HTX Tài Hoan còn tích cực đóng góp cho cộng đồng, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Với quyết tâm đưa thương hiệu miến dong Tài Hoan đến gần hơn với người tiêu dùng, chị Hoan luôn cố gắng cập nhật thông tin để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thêm về bao bì, mẫu mã đa dạng, tiện lợi, phù hợp với thị hiếu khách hàng; mặt khác, nâng cao năng lực quản lý, tiếp thị nhằm đáp ứng các yêu cầu mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

Nữ doanh nhân tâm huyết với các sản phẩm công nghệ cao

Nhận thấy trà hoa vàng là cây trồng có giá trị kinh tế và hiệu quả cao, một loại dược liệu quý hiếm, đặc biệt tốt cho sức khỏe và sắc đẹp, đầu năm 2021, chị Hà Minh Đợi – Công ty TNHH Hà Diệp (thành phố Bắc Kạn) đã quyết định tìm hiểu về cây trà hoa vàng Bắc Kạn để sản xuất thành hàng hóa. Sau khi tham quan mô hình sản xuất tại một số tỉnh có thương hiệu trà hoa vàng như Quảng Ninh, Ninh Bình… rất nhanh chóng, chị quyết tâm phát triển thương hiệu này tại địa phương. Cùng với tìm hiểu về nguồn cung cấp trà, chị Đợi đã đầu tư máy sấy trà với công nghệ hiện đại và tiên tiến nhất để cho ra sản phẩm là những bông hoa trà có màu sắc và chất lượng tốt nhất.

Chị Hà Minh Đợi – Công ty TNHH Hà Diệp

Chị Đợi cho biết, ngoài việc thu mua trà tươi được người dân thu hái ở rừng tự nhiên, Công ty còn vận động bà con dân bản ở Chợ Đồn, Bạch Thông phát triển rộng mô hình bằng cách giâm hom, gieo hạt, mở rộng vùng nguyên liệu cho Công ty. Cùng với những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, Công ty cũng dành tâm huyết lựa chọn mẫu mã đóng gói. Sản phẩm trà hoa vàng của Công ty Hà Diệp là một trong những sản phẩm cao cấp để thưởng thức và làm quà tặng được khách hàng tin tưởng lựa chọn.

Để sản phẩm vươn xa, chị Đợi đã chủ động, tích cực tham gia các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm trà hoa vàng tại các hội chợ, diễn đàn trong nước, quốc tế.

Ngoài sản phẩm chủ lực là trà hoa vàng, hiện nay, chị Đợi cùng Công ty TNHH Hà Diệp còn phát triển thêm sản phẩm trà nụ vối và trà lá vối dạng túi lọc từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Bên cạnh đó, chị còn phát triển một số loại hoa quả sạch trong nhà kinh như các loại dưa lưới, cà chua, rau sạch…

Chị Hà Minh Đợi hy vọng trong thời gian tiếp theo, sản phẩm trà hoa vàng và các sản phẩm của Công ty có thể vươn ra thị trường lớn, tạo việc làm ổn định cho người lao động địa phương, đóng góp một phần nhỏ bé thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Nữ doanh nhân đồng hành cùng bà con vùng cao

Từ niềm đam mê nông nghiệp, cô gái trẻ Ma Thị Ninh đã cùng với bà con vùng cao thành lập HTX Yến Dương từ tháng 6/2018. Nhận thấy ở địa phương có nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng nhưng chưa được nhiều người biết đến, sản phẩm làm ra khó khăn trong khâu tiêu thụ, HTX Yến Dương đã đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con dân bản vùng cao.

Chị Ma Thị Ninh – Giám đốc HTX Yến Dương

Lăn lộn đến từng địa bàn vùng sâu, vùng xa, Giám đốc HTX Yến Dương Ma Thị Ninh đã phối hợp với các ngành tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên để áp dụng vào sản xuất, nâng cao giá trị cũng như chất lượng nông sản. Cùng với đó, các mô hình sản xuất HTX đưa vào thực hiện đều được HTX bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ đầu ra cho bà con yên tâm sản xuất.

Hiện nay, HTX tập trung vào trồng, chế biến các sản phẩm thế mạnh của địa phương như: Bí thơm, gạo nếp Tài, miến tráng tay, sản phẩm đan lát truyền thống… Các sản phẩm này đều đã tạo nên thương hiệu của HTX Yến Dương. Trong đó, thành công lan tỏa hơn hết là sản phẩm bí xanh thơm. Huyện Ba Bể là vựa bí của tỉnh, trước đây, người dân chủ yếu trồng để ăn và một phần để bán cho người dân trong vùng. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, năng suất đạt 25 – 30 tấn/ha bí phấn, 30 – 35 tấn/ha đối với bí vỏ xanh.

Tìm tòi hướng đi cho nông sản địa phương khi sản lượng ngày một nhiều, không chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ sản phẩm tươi cho bà con, HTX còn hướng đến việc đi sâu vào chế biến để giá trị của quả bí thơm ngày càng được nâng lên. Chị Ninh cho biết, việc sản xuất thành công sản phẩm trà bí thơm là hướng đi lâu dài. Từ đó tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ giữa HTX và người dân trên địa bàn.

Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của tỉnh, HTX Yến Dương đã đem các sản phẩm bí xanh Ba Bể đi giới thiệu tại các hội chợ, diễn đàn… Tiếng lành đồn xa, hiện nay, sản phẩm bí xanh thơm và các sản phẩm của HTX đã được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong nước. Sản phẩm bí xanh thơm của HTX đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Trà bí thơm của HTX là sản phẩm Hữu cơ PGS và Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022. Mới đây, HTX Yến Dương đã cùng phối hợp tổ chức Hội thảo Quốc tế FFF tiếp đón 62 đại biểu nước ngoài đến từ 27 quốc gia trên thế giới để chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức rừng và trang trại tại địa phương. Từ Hội thảo này, các sản phẩm của HTX một lần nữa được giới thiệu, mở ra cơ hội vươn xa ra thị trường quốc tế.

Chị Ninh vui mừng chia sẻ, giờ đây, bà con đã có nguồn thu nhập khá từ sản xuất nông sản ngay tại địa phương. HTX tự hào góp được một phần nhỏ tạo dựng giá trị thương hiệu nông sản địa phương, đồng thời nâng cao đời sống cho bà con dân bản. Trong thời gian tới, HTX Yến Dương tiếp tục mở rộng hợp tác, phát triển các sản phẩm mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được công nhận, từ đó góp phần nâng cao giá trị nông sản và bảo vệ các giá trị truyền thống văn hóa bản địa.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều nữ doanh nhân ngày đêm miệt mài phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Đó là chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành (thành phố Bắc Kạn) với chuỗi sản phẩm chế biến từ củ nghệ, đem đến sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Đó là chị Đinh Tuyết Nhung, Giám đốc HTX Nhung Lũy (Ba Bể) đã sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp từ các sản phẩm nông sản địa phương. Hay chị Giá Thị Luân, Giám đốc HTX Hồng Luân (huyện Chợ Đồn), chị Lý Thị Quyên, Giám đốc HTX Thiên An (Bạch Thông), chị Nguyễn Thị Lê, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà (thành phố Bắc Kạn)… là những tấm gương các nữ doanh nhân truyền lửa sáng tạo, thành công trên thương trường và tạo lập được những thương hiệu riêng, đóng góp cho ngân sách nhà nước và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Họ đã và đang khẳng định bản lĩnh, tài năng và sự bền bỉ trong sự nghiệp kinh doanh của mình, đóng góp cho sự phát triển bền vững của tỉnh./.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn (Tác giả Hương Lan)

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content