Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2016 – 2020

Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Bắc Kạn đạt 62,8 điểm, tăng 9,2 điểm so với năm 2015; xếp thứ hạng 59/63 tỉnh, thành phố, tăng 01 bậc so với thời điểm năm 2015, thuộc nhóm các tỉnh xếp thứ hạng trung bình trên cả nước. Đáng chú ý là một số chỉ số đạt ở mức cao như: Chỉ số tính minh bạch, Chỉ số cạnh tranh bình đẳng, Chỉ số đào tạo lao động.

Chỉ số tính minh bạch tăng 11 bậc so với năm 2015

Năm 2019, chỉ số tính minh bạch của tỉnh Bắc Kạn xếp thứ hạng 19/63 tỉnh thành phố, tăng 11 bậc so với năm 2015. Để tăng cường tính minh bạch trong tiếp cận thông tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, giai đoạn 2016 – 2020, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến hướng tới xây dựng Chính quyền điện tử.

Đến nay, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc TDOffice đã triển khai cho 621 đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã; hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh được nâng cấp hiện đại, hiện tại có trên 7.000 tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức và tài khoản tổ chức của các cơ quan Đảng, Nhà nước và Đoàn thể từ cấp tỉnh đến cấp xã. Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và trang/cổng TTĐT của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố được duy trì hoạt động ổn định. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn có 8 trang TTĐT khối đảng, đoàn thể, 38 trang và chuyên trang TTĐT cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp; 08 trang TTĐT các huyện, thành phố, giúp người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân thuận tiện trong việc truy cập, tra cứu thông tin, sử dụng, tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Hệ thống phần mềm “Một cửa điện tử”, “Một cửa điện tử liên thông” và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao hiện nay đã triển khai cho 132 cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đảm bảo liên thông việc giải quyết hồ sơ TTHC giữa 3 cấp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; cho phép người dân nộp hồ sơ, tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ đã nộp và nhận kết quả trực tuyến trên mạng Internet; đồng thời được kết nối đến hệ thống quản lý cung cấp dịch vụ bưu chính công ích.

Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh nâng cấp Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bắc Kạn từ phiên bản 1.0 lên phiên bản 2.0 đáp ứng yêu cầu của Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0 và nhu cầu thực tiễn trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.

Theo đánh giá của doanh nghiệp chỉ số tính minh bạch đã được cải thiện đáng kể qua từng năm. Việc tiếp cận được với các tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý ở mức khá dễ; đa số các doanh nghiệp cho rằng các tài liệu về ngân sách đủ chi tiết để doanh nghiệp sử dụng cho hoạt động kinh doanh; tỉ lệ doanh nghiệp nhận được thông tin, văn bản sau khi đề nghị cơ quan nhà nước của tỉnh cung cấp ở mức cao; tỉ lệ doanh nghiệp truy cập vào website của tỉnh ngày càng tăng, năm 2019 có 88% doanh nghiệp được đánh giá cho rằng thường xuyên truy cập vào website của các cơ quan nhà nước để tiếp cận với các thông tin, tài liệu về quy hoạch…

Chỉ số cạnh tranh bình đẳng tăng 16 bậc so với năm 2015

Xếp thứ hạng 4/63 tỉnh thành phố, Chỉ số cạnh tranh bình đẳng của tỉnh Bắc Kạn năm 2019 tăng 16 bậc so với năm 2015.

Thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, bình đẳng cho các doanh nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện nghiêm các quy định về đấu thầu, Chỉ thị số 03/CT-KH&ĐT ngày 24/5/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu; tăng cường thực hiện đấu thầu qua mạng.

Qua đó, chỉ số cạnh tranh bình đẳng trong giai đoạn này tiếp tục được cải thiện, năm 2019 đạt 7,65 điểm so với cuối năm 2015 là 5,26 điểm. Các doanh nghiệp đánh giá việc tiếp cận đất đai, các khoản vay, cấp phép khai thác khoáng sản, thực hiện các thủ tục hành chính, có được các hợp đồng với cơ quan nhà nước đã bình đẳng hơn giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân.

Chỉ số đào tạo lao động tăng 39 bậc so với năm 2015.

Xếp thứ hạng 16/63 tỉnh/thành phố, Chỉ số đào tạo lao động tỉnh Bắc Kạn năm 2019 tăng 39 bậc so với năm 2015.

Giai đoạn 2016 – 2020, công tác đào tạo lao động trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển, các tổ chức cung cấp dịch giới thiệu việc làm cơ bản đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, chất lượng dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp không ngừng được nâng cao, đáp ứng khoảng 81% nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Để cải thiện chỉ số đào tạo lao động, hàng năm Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thường xuyên tuyên truyền, cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở các chính sách về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, an sinh xã hội để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông giai đoạn 2017-2020.

Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở trong và ngoài nhà trường, cung cấp rộng rãi thông tin về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng giáo dục nghề phổ thông; triển khai thí điểm một số mô hình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương.


Tổng hợp điểm các thành phần Chỉ số năng lực
cạnh tranh cấp tỉnh Bắc Kạn qua các năm

Tập trung nguồn lực cải thiện PCI

Bên cạnh kết quả đạt được, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Bắc Kạn vẫn thuộc nhóm trung bình trên cả nước. Còn 6 chỉ số thành phần giảm điểm, chưa được cải thiện, xếp thứ hạng thấp gồm: Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Tính năng động và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh vẫn còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, chủ yếu là lao động phổ thông; tỉ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chưa cao. Tỉnh còn thiếu quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án; một số chính sách của tỉnh chưa tạo được thuận lợi cho thu hút đầu tư. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển chậm, doanh nghiệp thành lập mới còn thấp, chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ…

Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn xác định tập trung nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, ưu tiên nguồn lực để tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư. Tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao. Tập trung thực hiện tốt công tác đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng các tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh. Tăng cường các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ khảo sát, lập hồ sơ dự án đầu tư, tư vấn các thủ tục pháp lý liên quan trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, tham mưu giải quyết nhanh gọn các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ và rà soát, thẩm định hồ sơ, nội dung dự án đầu tư. Thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, các sở, ngành và địa phương chủ động giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh duy trì và phát triển ổn định./.

Nguyễn Thị Nga

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content