Chợ Mới nắm bắt thời cơ, khai mở tiềm năng công nghiệp

BBK –  Với lợi thế về giao thông, tiềm năng rừng trồng và khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh đóng trên địa bàn, nguồn nhân lực dồi dào… huyện Chợ Mới có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp.

Ngành công nghiệp chế biến gỗ tại Chợ Mới đang thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư.
Ảnh: Ngô Đức Mích

Việc xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn trong những năm qua thu được nhiều kết quả khả quan. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện (theo giá hiện hành) tăng từ 4 tỷ đồng (năm 1998) lên hơn 525,7 tỷ đồng (năm 2022).

Tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng đến 31/12/2022 đang hoạt động là 265 cơ sở, các cơ sở được hình thành với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Trong đó số cơ sở công nghiệp chế biến nông lâm sản trên địa bàn huyện đã tăng lên 65 cơ sở so với năm 1998 (chủ yếu là chế biến gỗ băm, ván bóc, đồ mộc). Ngoài ra còn có các cơ sở sản xuất rượu thủ công nhỏ lẻ, công nghiệp chế biến thực phẩm và một số sản phẩm công nghiệp khác.

Một góc Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới.

Khi mới thành lập, huyện Chợ Mới chưa có cụm công nghiệp nào. Đến nay, trên địa bàn đã có 04 cụm công nghiệp nằm trong quy hoạch của tỉnh (gồm các Cụm Công nghiệp Quảng Chu, Quảng Chu 1, Thanh Thịnh, Khe Lắc) với tổng diện tích 209,4ha, trong đó có 02 cụm công nghiệp đang trong giai đoạn GPMB (Cụm Công nghiệp Thanh Thịnh và Cụm Công nghiệp Quảng Chu). Dự kiến các cụm sau khi đi vào hoạt động tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động trong và ngoài địa phương. Ngoài ra các Cụm Công nghiệp Thanh Mai, Thanh Vận đã được cập nhật vào phương án phát triển cụm công nghiệp và tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030.

Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chợ Mới (Khóa VI) xác định: Tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Phát huy những tiềm năng lợi thế sẵn có, huy động mọi nguồn lực cho phát triển công nghiệp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế. Huyện đề ra mục tiêu đến năm 2025 cơ cấu kinh tế khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản chiếm 41%, khu vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – XDCB chiếm 20%; khu vực thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm 39%.

Hoạt động chế biến nông sản tại Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, UBND huyện đề ra các giải pháp cụ thể. Trong đó triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đối số trong cơ quan nhà nước, dịch vụ công, các dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để thực hiện. Tiếp tục quan tâm, triển khai cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích của cấp trên để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất công nghiệp – TTCN trên địa bàn.

Tranh thủ các nguồn vốn, dự án và dây chuyền máy móc công nghệ cao để thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại địa phương. Phối hợp tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, đề án; nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng, tiêu thụ khoáng sản. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, xử lý dứt điểm những khó khăn vướng mắc của các dự án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư./.

Nguồn: Báo Bắc Kạn điện tử (Tác giả Trần Tuyến)

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content