Bắc Kạn xây dựng sản phẩm du lịch thích ứng với tình hình mới

Không nằm ngoài tình hình chung của cả nước, thời gian qua, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành và cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũng chịu nhiều tác động khi dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Đây là thách thức đồng thời cũng là động lực để tỉnh nỗ lực đổi mới sản phẩm du lịch nhằm thích ứng với tình hình mới.

 Ở một khía cạnh khác, đại dịch Covid-19 cũng có những tác động tích cực làm cho cuộc sống của chúng ta gần như chậm lại, làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân trên mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch. Xu hướng du lịch an toàn, tìm đến với thiên nhiên, về với cội nguồn, du lịch nội địa, không gian mở… đã dần chiếm ưu thế. Cùng với đó, du khách cũng thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường tại mỗi điểm đến. Xu hướng này mở ra cơ hội mới để du lịch xanh, du lịch sinh thái và trải nghiệm văn hóa truyền thống bản địa phát triển.

                     Hoạt động du lịch trải nghiệm văn hóa đồng bào dân tộc Dao
                                    được du khách quan tâm thời gian gần đây

Nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của một bộ phận không nhỏ khách du lịch thích được khám phá văn hóa địa phương, tham gia trải nghiệm như cùng người dân cấy lúa, trồng rau, đánh bắt cá, tôm hay tham gia các hoạt động như cắm trại trên rừng, chèo thuyền Kayak, dệt vải, làm gốm, nấu rượu, làm bánh… và hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, tỉnh Bắc Kạn đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển du lịch; hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, hướng tới phát triển bền vững. Khuyến khích phát triển mô hình mỗi điểm đến là một sản phẩm du lịch đặc thù. Các sản phẩm du lịch này không chỉ giúp du khách trải nghiệm thực tế cuộc sống của người dân địa phương, khám phá giá trị văn hóa bản địa mà còn giúp cho người dân địa phương nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy các các giá trị văn hóa truyền thống và có ý thức trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội ở nơi mà du khách đặt chân.

Tại Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với thông điệp “Du lịch Bắc Kạn – điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch an toàn, có tính cạnh tranh cao, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch mang tính chuyên nghiệp và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhằm nâng cao năng lực, tính hấp dẫn của điểm đến và thích ứng với tình hình mới.

Trên cơ sở các sản phẩm truyền thống hiện có như: Tham quan khu Ramsa Vườn Quốc gia; trải nghiệm sông nước trên sông Năng, hồ Ba Bể; tìm hiểu văn hóa truyền thống bản địa tại các bản nhà sàn ven hồ, thưởng thức ẩm thực và văn nghệ dân gian, với yêu cầu phát huy và tăng cường nâng cao chất lượng dịch vụ các sản phẩm, Bắc Kạn đã khẩn trương đầu tư phát triển hạ tầng du lịch như tuyến đường giao thông nối cao tốc Chợ Mới – Ba Bể; đường quanh hồ và đường đến các điểm du lịch; tăng cường quảng bá du lịch trên Cổng Thông tin du lịch thông minh; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thêm các sản phẩm du lịch ở khu du lịch hồ Ba Bể và kết nối với các địa phương lân cận.

Cùng với đa dạng loại hình du lịch, tỉnh quan tâm làm phong phú sản phẩm lưu niệm và quà                                                                 tặng du lịch

Trước khi giới thiệu các sản phẩm du lịch mới đến du khách, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội du lịch đã cùng với các doanh nghiệp tiến hành khảo sát nhiều lần các địa phương trong tỉnh có tài nguyên du lịch để xây dựng sản phẩm và yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phải đảm bảo chất lượng tốt nhất. Trước mắt, mục tiêu là xây dựng du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia, lấy trọng tâm là Vườn Quốc gia Ba Bể liên kết với các địa phương lân cận xây dựng các sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng một số xu hướng du lịch trong tình hình mới.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã triển khai xây dựng thành công một số sản phẩm, như: Xây dựng các đội văn nghệ dân gian (then, Sli, lượn, múa khèn Mông); thành lập 4 Tổ du lịch cộng đồng tại các thôn Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, Bản Cám, xã Nam Mẫu (Ba Bể); định hướng xây dựng một số làng du lịch cộng đồng người Dao tại thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, thôn Nà Hai, xã Quảng Khê (Ba Bể); bản người Sán Chỉ thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố (Pác Nặm).

Giải đua thuyền Kayak trong sự kiện “Sắc thu hồ Ba Bể” khiến du khách có một trải                                                    nghiệm khó quên

Trong sự kiện “Sắc thu hồ Ba Bể” được huyện Ba Bể tổ chức vừa qua đã cho thấy sức hấp dẫn du khách đến với địa phương bằng các sản phẩm du lịch đa dạng, mới lạ. Các dịch vụ đi bộ khám phá rừng nguyên sinh; bơi thuyền độc mộc, Kayak; hát Then trên thuyền du lịch; chèo mảng tre trên sông; trải nghiệm nông – lâm nghiệp; săn mây; đi xe đạp hay như du lịch thể thao mạo hiểm trải nghiệm bay dù lượn đã mang lại cảm giác mới lạ, thích thú cho người dân và du khách. Các hoạt động khác như thám hiểm hang động kết hợp du lịch dưới tán rừng; trải nghiệm thác nước; mua sắm sản phẩm OCOP địa phương cùng trải nghiệm hái lúa nếp, làm cốm, giã bánh giầy, thưởng thức món ăn ngon của người dân bản địa… cũng là những trải nghiệm khó quên với du khách trong hành trình lần này.

Bà Ma Thị Cử, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: “Đây là lần đầu tiên huyện Ba Bể tổ chức sự kiện “Sắc thu hồ Ba Bể”, song chuỗi các hoạt động về du lịch đã đạt được thành công ngoài mong đợi. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực để du khách đến với hồ Ba Bể được trải nghiệm phong phú hơn với các hoạt động đa dạng như chèo xuồng Kayak, dù lượn, tham gia các giải thể thao đi xe đạp, bơi vượt hồ Ba Bể…”.

                  Trải nghiệm bay dù lượn mang lại cảm giác mới lạ, thích thú
                                        cho người dân và du khách

Cũng từ thành công của các sự kiện quảng bá du lịch tổ chức trên địa bàn thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đang tiến tới đầu tư xây dựng bến xe ô tô; dịch vụ xe điện phục vụ khách tại các điểm du lịch; bố trí các biển chỉ dẫn vào các điểm du lịch, điểm check-in; quy hoạch các điểm giới thiệu và bán các sản vật địa phương. Cùng với đó là khôi phục các nghề truyền thống nấu rượu, dệt thổ cẩm, chế biến ẩm thực, làm đồ thủ công mỹ nghệ, thuốc nam chữa bệnh tại các làng du lịch cộng đồng; phục dựng lễ cấp sắc người Dao, lễ hội cầu mùa, cơm mới, hội Lồng Tồng, các trò chơi dân gian chọi bò, bơi thuyền độc mộc, tung còn…

Huyện Ba Bể cũng sẽ liên kết xây dựng thêm các tour du lịch hồ Ba Bể – trải nghiệm đỉnh Mù Là  – nghỉ dưỡng Homestay tại bản người Sán Chỉ (Nà Nẩy, Khâu Đấng, Pác Nặm); tour du lịch tâm linh tại đền thờ Đức Thánh Trần Phja Khao kết hợp du lịch dưới tán rừng nguyên sinh khu sinh cảnh Nam Xuân Lạc (Chợ Đồn); di tích lịch sử cách mạng ATK Chợ Đồn – hồ Ba Bể; cắm trại, lửa trại Lủng Tráng (Ba Bể) – hồ Bản Chang (Ngân Sơn)…

Những kết quả bước đầu trong xây dựng và làm mới các sản phẩm du lịch cùng tâm thế, khát vọng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh quyết tâm xây dựng du lịch Bắc Kạn nói chung và Ba Bể nói riêng phát triển bền vững, có thương hiệu, ghi dấu ấn tốt đẹp với du khách trong và ngoài nước./.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn (Tác giả Thu Trang)

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content