Hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Kạn năm 2017

Sáng ngày 18/11/2017, tại Hội trường Khách sạn Bắc Kạn đã diễn ra Hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Kạn năm 2017. Hội nghị do UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức, nằm trong chuỗi các sự kiện: Hội nghị xúc tiến đầu tư – Xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Kạn – Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ IX và Tuần du lịch Ba Bể, Bắc Kạn năm 2017.

Dự Hội nghị, về phía khách mời Trung ương và các tỉnh bạn có ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục Trưởng cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương; ông Dương Quốc Trịnh – Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương; ông Chu Thúc Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển khoa học và công nghệ địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Đào Văn Hồ – Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo Sở Công Thương và các doanh nghiệp TP Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng; Lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương.

Về phía tỉnh Bắc Kạn, dự Hội nghị có đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện/thành phố; đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, trưởng nhóm sản xuất các sản phẩm nông sản tham gia kết nối; các nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm; các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Quang cảnh Hội nghị

Là tỉnh miền núi ở vị trí trung tâm vùng Việt Bắc với tổng diện tích đất tự nhiên 485.996ha, trong đó 459.705ha đất nông nghiệp, Bắc Kạn có lợi thế về các sản phẩm nông, lâm nghiệp, nổi bật là gỗ nguyên liệu từ rừng trồng và các sản phẩm nông sản có thương hiệu tập thể, có chỉ dẫn địa lý. Hiện nay tỉnh Bắc Kạn đang triển khai phát triển sản xuất tập trung để tạo ra sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng, từng bước thâm nhập thị trường phân phối hiện đại trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường; tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng, với điều kiện đặc thù về địa hình, khí hậu, tỉnh Bắc Kạn đã tạo ra nhiều sản phẩm nông sản hàng hóa có chất lượng cao, sẵn sàng cung cấp cho các nhà phân phối, tiêu thụ và người tiêu dùng. Có thể kể đến các sản phẩm như: Miến dong, bún phô, phở khô, Gạo nếp thơm (Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn), Gạo Bao thai, Nano Curcumin (sản phẩm tinh chế từ củ nghệ) đã trở thành hàng hóa và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, có chỗ đứng trên thị trường, tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở một số thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…

Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày tại Hội nghị

Lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh Bắc Kạn đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trên cả nước. Năm 2016, Hội đồng bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) tỉnh Bắc Kạn đã xem xét lựa chọn được 12 sản phẩm là sản phẩm CNNTTB, trong đó có sản phẩm nông sản như: Miến dong Nhất Thiện Ba Bể, miến dong Triệu Thị Tá, miến dong Chính Tuyển, miến dong Huấn Liên, miến dong Tài Hoan; bún khô, phở khô Phủ Thông; Trịnh Năng Curcumin (sản phẩm tinh chế từ củ nghệ). Bên cạnh đó, Hội đồng bình chọn sản phẩm CNNNTB khu vực phía Bắc năm 2016 còn công nhận sản phẩm Miến dong Nhất Thiện Ba Bể và miến dong Triệu Thị Tá là sản phẩm CNNTTB khu vực phía Bắc. Đặc biệt năm 2017, sản phẩm Miến dong Nhất Thiện Ba Bể được Hội đồng bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia công nhận là sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia.

Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,3%; cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, nông lâm nghiệp, công nghiệp – XDCB. Trong đó dịch vụ là 52,2%, nông – lâm nghiệp và thủy sản là 34,1%; công nghiệp- xây dựng là 13,7%. Về hạ tầng thương mại, tỉnh Bắc Kạn có 01 siêu thị tổng hợp tại khu vực thành phố Bắc Kạn; 66 chợ, trong đó có 1 chợ hạng 1, có 4 chợ hạng 2 và 61 chợ hạng 3; có 87 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động và hàng nghìn cửa hàng, đại lý bán lẻ, khách sạn, nhà hàng được đầu tư mở rộng phát triển đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XI nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng khu vực nông – lâm nghiệp, thủy sản bình quân là 4,5%/năm. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế từng vùng; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông tin, dự báo, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh việc thực hiện chương trình hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đổi mới và nâng cao hiệu quả các chính sách, củng cố, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, quản lý trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa nhấn mạnh: Việc tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu được kỳ vọng sẽ hình thành các thiết chế bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho doanh nghiệp Bắc Kạn cũng như doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trên cả nước đối với công tác kết nối và phát triển thị trường, mở rộng liên doanh, liên kết. Là một trong các hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, Hội nghị nhằm góp phần tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế, đầu tư, du lịch, dịch vụ cho tỉnh Bắc Kạn, đồng thời tích cực thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Hội nghị sẽ tập trung vào công tác thúc đẩy, gắn kết giao thương, tạo cơ hội cho thương nhân, doanh nghiệp của tỉnh Bắc Kạn và các tỉnh, thành phố trong cả nước gặp gỡ, ký kết cung cấp, tiêu thụ sản phẩm nông sản có chất lượng của tỉnh Bắc Kạn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa phát biểu tại Hội nghị

Chính quyền tỉnh Bắc Kạn cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các thương nhân, các tổ chức, doanh nghiệp, các Hiệp hội, Siêu thị, các Trung tâm thương mại, các chợ đầu mối trên cả nước đến với Bắc Kạn, tiếp cận, kết nối và tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa khẳng định.

Nhân dịp này, tỉnh Bắc Kạn đề nghị lãnh đạo các đơn vị phân phối nghiên cứu quy mô sản xuất, khả năng cung cấp các sản phẩm của tỉnh, của các đơn vị sản xuất để liên kết tạo nguồn cung cho hoạt động kinh doanh; từng bước liên kết với các đơn vị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để vừa chủ động trong sản xuất kinh doanh, vừa gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Lãnh đạo các cơ quan của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ; Lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Nông Nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố tiếp tục giới thiệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Kạn.

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất tại Bắc Kạn như: Cơ sở sản xuất miến dong Chính Tuyển, xã Côn Minh, huyện Na Rì; Hợp tác xã Hoàn Thành, xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn (sản xuất và cung ứng gạo Bao Thai Chợ Đồn); Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thành, phường Đức Xuân, TP Bắc Kạn; Công ty TNHH Nhiệt công nghiệp Hỏa Tự Long đều có chung nguyện vọng được hỗ trợ hơn nữa về khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hỗ trợ đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Lãnh đạo các sở Công Thương TP Hà Nội, Bắc Giang, đại diện doanh nghiệp của TP Hà Nội đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch. Trong đó nhấn mạnh đến vấn đề sản phẩm nông sản của Bắc Kạn phần lớn chưa trở thành hàng hóa, một số sản phẩm có sản lượng lớn như: Cam, quýt, hồng không hạt, gừng, gia súc, gia cầm… chủ yếu xuất bán sản phẩm thô, chưa qua chế biến; nhiều loại nông sản có mẫu mã bao bì sản phẩm chưa đươc quan tâm đầu tư, chưa kết nối thâm nhập vào các hệ thống phân phối, kênh phân phối hiện đại. Quy mô sản xuất nhóm sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, nông sản của Bắc Kạn còn hạn chế do vậy việc đáp ứng các đơn hàng lớn còn khó khăn. Đồng thời, Bắc Kạn còn thiếu doanh nghiệp đầu mối mua gom hàng hóa cho bà con nông dân, các cơ sở sản xuất và cầu nối với các doanh nghiệp phân phối, các siêu thị từ các địa phương khác nên phần nào hạn chế việc đặt hàng tiêu thụ của các doanh nghiệp, chuỗi siêu thị. Các đơn vị tỉnh bạn cũng cam kết sẽ hỗ trợ Bắc Kạn tiêu thụ sản phẩm nếu đạt các yêu cầu chất lượng, mẫu mã sản phẩm theo đơn đặt hàng.

 

Ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục Trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị

Chia sẻ với những khó khăn của tỉnh miền núi Bắc Kạn, ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục Trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương khẳng định: “Cục Xúc tiến Thương mại sẵn sàng tổ chức chương trình đào tạo tập huấn, tư vấn cho các doanh nghiệp của tỉnh Bắc Kạn về các yêu cầu của sản phẩm đạt tiêu chất lượng để có thể cung ứng ra thị trường lớn”.

Tại Hội nghị đã diễn ra hoạt động ký kết hợp đồng nguyên tắc, hợp tác kinh doanh, hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp sản xuất của tỉnh.

Ký kết hợp đồng nguyên tắc, hợp tác kinh doanh, hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp
phân phối và doanh nghiệp sản xuất của tỉnh

Trước đó, vào buổi chiều ngày 17/11/2017, các đại biểu đã thăm quan mô hình sản xuất tiêu biểu về cam, quýt tại Hợp tác xã Đại Thành, phường Đức Xuân, TP Bắc Kạn./.

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content