Tài nguyên thiên nhiên tỉnh Bắc Kạn

1. Tài nguyên đất: Tỉnh Bắc Kạn có 5 nhóm đất chính với 15 loại đất, trong đó nhóm đất đỏ vàng chiếm 83,05% diện tích điều tra, còn lại hơn 16% là diện tích các nhóm đất phù sa, nhóm đất đen, nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi và nhóm đất thung lũng dốc tụ.

Các loại hình tài nguyên đất trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

TT Tên đất Ký hiệu Diện tích Tỷ lệ
(ha) (%)
I Nhóm đất phù sa p 25.679,06 5,28
1 Đất phù sa không được bồi chua Pc 3.117,06 0,64
2 Đất phù sa ngòi suối Py 22562,00 4,64
II Nhóm đất đen R 118,15 0,02
3 Đất đen trên sản phẩm bồi tụ của đá Bazan Rk 118,15 0,02
III Nhóm đất đỏ vàng F 424.678,04 87,39
4 Đất nâu đỏ trên đá macma bazơ và trung tính Fk 267.190,15 0,55
5 Đất đỏ nâu trên đá vôi Fv 62.161,78 12,79
6 Đất đỏ vàng trên đá phiến sét Fs 260.732,24 53,66
7 Đất vàng đỏ trên đá macma axit Fa 80.657,21 16,60
8 Đất vàng nhạt trên đá cát Fq 14.985,46 3,08
9 Đất nâu vàng trên phù sa cổ Fp 1.605,57 0,33
10 Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa nước Fl 1.863,89 0,38
IV Nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi H 16.195,43 3,33
11 Đất mùn đỏ nâu trên đá vôi Hv 1.241,01 0,26
12 Đất mùn vàng đỏ trên đá sét và biến chất Hs 4.992,75 1,03
13 Đất mùn vàng đỏ trên đá macma axit Ha 9.202,38 1,89
14 Đất mùn vàng nhạt trên đá cát Hq 759,29 0,16
V Nhóm đất thung lũng D 2.711,76 0,56
15 Đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ D 2.711,76 0,56
  Núi đá có rừng cây   16.558,46 3,41
  Tổng diện tích   485.941 100,00

2. Tài nguyên rừng: Bắc Kạn là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên vào loại lớn nhất trong các tỉnh thuộc vùng Đông Bắc. Rừng của Bắc Kạn có vai trò quan trọng, ngoài việc cung cấp gỗ và các loại lâm sản khác, rừng Bắc Kạn còn có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái của cả vùng nói chung, trong đó có tỉnh Bắc Kạn.

Diện tích đất có rừng là  371.949,9 ha, chiếm 76,53% tổng diện tích tự nhiên , trong đó: Rừng tự nhiên: 274.086,2 ha chiếm 56,40% so tổng diện tích tự nhiên của tỉnh; Rừng trồng: 97.863,7 ha. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 73,4%.

Bắc Kạn còn có các rừng bảo tồn đa dạng sinh học như Vườn Quốc gia Ba Bể với diện tích 10.048,0 ha; rừng bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ 15.715,02 ha; khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc 4.150,21ha, ngoài ra còn khu vực Hồ Nà Khương thôn Bản Lài, khu sinh thái thôn Lùng Pảng, thôn Bản Cào… thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái.

3. Tài nguyên nước: Nguồn nước của tỉnh Bắc Kạn tương đối phong phú, nhất là nước mặt khoảng 3,4 tỷ m3, hàng năm tiếp nhận khoảng 2-2,5 tỷ m3 nước mưa.  Bắc Kạn có hệ thống sông suối khá dày đặc và phân bố đồng đều, là đầu nguồn của 4 con sông lớn của vùng Đông Bắc là sông Năng, sông Phó Đáy, sông Bằng Giang và sông Cầu với tổng chiều dài là 313 km, lưu lượng lớn 105,3 m3/s và có nước quanh năm. Ngoài các con sông chính, trong tỉnh còn có các hệ thống suối lớn, nhỏ khá nhiều song đa phần nhỏ và ngắn, phần lớn nằm ở thượng nguồn nên nhiều thác ghềnh.

Ngoài hệ thống sông suối, Bắc Kạn còn có hệ thống ao, hồ, đáng chú ý nhất là hồ Ba Bể, là một trong những hồ kiến tạo tự nhiên đẹp và lớn nhất nước ta, là nơi hợp lưu của sông Chợ Lèng, suối Bó Lù và suối Tà Han, là điểm du lịch hấp dẫn thu hút khách du lịch ngày càng tăng. Nguồn tài nguyên nước ngầm của tỉnh không lớn, chất lượng nước trung bình, trữ lượng khai thác có thể đạt 660.000 m3/ngày đêm.

4. Tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản tương đối đa dạng, phong phú bao gồm: Vàng, Chì, kẽm, Antimon, Thiếc, Sắt và sắt – mangan, Khoáng sản phi kim loại khác, Đá quý và nửa quý trong đó chì-kẽm, quặng vàng, quặng sắt và khoáng sản phi kim loại làm vật liệu xây dựng là có trữ lượng công nghiệp, tuy nhiên để khai thác và sử dụng có hiệu quả góp phần làm giầu cho tỉnh đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn về điều tra khảo sát, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Phân bố tài nguyên khoáng sản của tỉnh Bắc Kạn

Khoáng sản Nơi phân bố
Chì kẽm Chợ Đồn (Chợ Điền) – Ngân Sơn
Vàng Ngân Sơn (Pác Lạng) – Chợ Mới (Khang Âu) – Bạch Thông (Vũ  Muộn)
Antimon Chợ Mới (Yên Cư)
Thiếc Chợ Đồn (Lũng Cháy) – Ngân Sơn (Nà Đeng)
Sắt, Mangan Chợ Đồn (Chợ Điền) – Ba Bể (Bản Nũng) – Ngân Sơn (Lũng Viền, Bản Phẳng, Nà Nọi, Mõ Xát) – Bạch Thông (Sĩ Bình)
Đá vôi Chợ Đồn (Bản Cát, Bản Lược, Phiên Liền) – Bạch Thông (Nam Lao)
Đá quí Ba Bể (Bản Đuống, Bản Vàng)

5. Tài nguyên du lịch

Bắc Kạn là tỉnh miền núi được thiên nhiên ban tặng khá nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp để phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái. Ngoài ra, Bắc Kạn còn có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn rất đa dạng và phong phú. Cả tỉnh hiện có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 07 di tích Quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh và 94 di tích kiểm kê chưa xếp hạng.

Tài nguyên du lịch tự nhiên: Là một tỉnh miền núi cao; các dãy núi đá vôi có cấu tạo địa chất phức tạp tạo nên nhiều hang động, thác ghềnh như Động Puông, động Hua Mạ, động Nả Phoòng, động Nàng Tiên, thác Đầu Đẳng, thác Tát Mạ, thác Nà Khoang, thác Bạc- Áng Toòng….

Vườn Quốc gia Ba Bể có diện tích hơn 10.000 ha với hệ động, thực vật đa dạng và phong phú, là nơi bảo tồn và lưu giữ các loại gen quý hiếm. Hồ Ba Bể nằm trung tâm vườn Quốc gia Ba Bể được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi đá vôi hùng vĩ, là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất trên thế giới. Hồ rộng khoảng 450 ha trên độ cao 178m so với mặt biển, quanh năm nước trong xanh, là điểm nhấn về du lịch sinh thái hấp dẫn du khách với nhiều loại hình du lịch phong phú như: Du lịch tham quan nghỉ dưỡng, du lịch leo núi, bơi thuyền, nghiên cứu khoa học… Tháng 9/2012, hồ Ba Bể được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia cấp đặc biệt.

Tài nguyên du lịch nhân văn: Bắc Kạn là tỉnh có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có nét văn hoá, phong tục tập quán riêng mang đậm nét bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc tạo nên sức hấp dẫn đối với khách du lịch. Toàn tỉnh có 431 phiếu di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, có 291 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận, trong đó có 17 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; năm 2019, UNESCO đã công nhận hồ sơ “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tỉnh đã tổ chức và phục dựng các lễ hội dân gian truyền thống, có 51 lễ hội được tổ chức hàng năm, trong đó có 02 lễ hội truyền thống di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bắc Kạn, quê hương cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Lịch sử đã ghi lại những trang sử hào hùng của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn; Các di tích lịch sử cách mạng thuộc khu ATK Chợ Đồn; di tích chiến thắng Phủ Thông, Đèo Giàng; di tích lịch sử Nà Tu, Cẩm Giàng ….. là những di tích mang dấu ấn cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính quyền cách mạng trong thời kỳ kháng chiến – là tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng để phát triển du lịch của tỉnh.

Bắc Kạn có một số đền, chùa ngoài kiến trúc nghệ thuật còn có cảnh quan đẹp, nghĩa tâm linh tạo thành những điểm du lịch văn hoá tâm linh hàng năm thu hút rất đông du khách thập phương./.

Nguồn: Theo báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Kạn

 

 

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content