Sáng 28/7, đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng Đoàn công tác đến kiểm tra việc thực hiện các đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ, bàn giải pháp, định hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện Na Rì.
Đoàn công tác thăm mô hình trồng cam Xã Đoài tại xã Cường Lợi.
Theo báo cáo tại buổi làm việc: Kết quả duy trì, nhân rộng các đề tài, dự án đã bàn giao từ năm 2014 – 2019 nhìn chung duy trì và thực hiện khá tốt. Trong đó đề tài nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật thâm canh cây dong riềng sử dụng giống DR1 và được người dân áp dụng một số biện pháp kỹ thuật thâm canh nên năng suất đã tăng lên từ 65 tấn/ha lên 78,7 tấn/ha; đối với cây cam Xã Đoài huyện đã nhân rộng ra 13 xã, thị trấn với diện tích hơn 265ha; một số đề tài nghiên cứu, ứng dụng và phát triển cây thuốc lá, rau bò khai vẫn đang được triển khai thực hiện…
Về tình hình thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ trên địa bàn huyện Na Rì hiện có 03 đề tài, dự án KH&CN đang triển khai, cụ thể: Dự án Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình thâm canh và nhân giống hồng không hạt (Thuộc Chương trình NTMN ủy quyền địa phương quản lý); Dự án Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nâng cao năng suất, chất lượng cây thạch đen phục vụ sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị; Đề tài Nghiên cứu thực trạng và định hướng phát triển cây Quế (Cinnamomum cassia. Presl).
Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận một số nội dung tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các đại biểu và đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn đã thảo luận làm rõ một số nội dung còn vướng mắc, bất cập, chưa thực sự phù hợp trong quá trình triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi thông qua việc thực hiện từ các đề tài, dự án khoa học và công nghệ trên địa bàn huyện trong thời gian qua.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trong thời gian tới UBND huyện và ngành chuyên môn của huyện cần tiếp tục bám sát cơ sở, giúp người dân thực hiện các mô hình bảo đảm các biện pháp khoa học kỹ thuật trong quá trình thực hiện; bảo đảm việc định hướng cây trồng phù hợp với địa phương, sử dụng các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, mang tính lâu dài. Tập trung nguồn lực hỗ trợ trong các chương trình, dự án giảm nghèo để hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, hỗ trợ các hợp tác xã, hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình theo chuỗi giá trị. Quá trình sản xuất, chế biến cần bảo đảm vệ sinh môi trường. Triển khai bảo đảm các chính sách đến người dân, đến các doanh nghiệp và các hợp tác xã theo đúng quy định.
Các sở, ngành liên quan cần rút kinh nghiệm trong việc phối hợp thực hiện, nhất là quá trình, quy trình thẩm định các dự án, đề tài để được triển khai kịp thời ở các địa phương. Đối với các cơ sở chế biến, sản xuất cần chú ý việc chia sẻ lợi ích với người dân trồng vùng nguyên liệu để tạo được mối liên kết lâu dài./.