Với một số lợi thế về sông suối, thời gian qua, Bắc Kạn đã thu hút đầu tư phát triển thủy điện nhỏ để bổ sung nguồn năng lượng quốc gia, tăng ngân sách cho địa phương. Bắc Kạn đã triển khai đúng các quy định, khai thác tiềm năng phát triển một cách hợp lý, hiệu quả.
Đoàn ĐBQH tỉnh thăm nắm tình hình quản lý, vận hành Nhà máy thủy điện Pác Cáp, huyện Na Rì
Bắc Kạn là tỉnh miền núi, có hệ thống sông suối tương đối dày đặc và phân bố đồng đều, là đầu nguồn của 4 con sông lớn của vùng Đông Bắc là sông Năng, sông Phó Đáy, sông Bằng Giang và sông Cầu với tổng chiều dài 313 km, lưu lượng lớn 105,3 m3/s. Ngoài các con sông chính, trong tỉnh còn có các hệ thống suối lớn, nhỏ khá nhiều song đa phần nhỏ và ngắn, phần lớn nằm ở thượng nguồn nên nhiều thác ghềnh, có tiềm năng phát triển thủy điện. Do đặc điểm địa hình của các sông, suối có độ dốc không lớn, lưu lượng nước không nhiều, do vậy, các nhà máy thủy điện được quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là thủy điện nhỏ.
Theo Quy hoạch thủy điện tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2010 – 2020 được Bộ Công Thương phê duyệt vào tháng 3/2021, tỉnh Bắc Kạn có 16 thủy điện, với tổng công suất quy hoạch trên 60 MW.
Từ năm 2009 đến nay, tổng số dự án thuỷ điện đã hoàn thành đi vào vận hành phát điện là 5 dự án, với tổng công suất 21,6 MW. Sản lượng điện phát ra hòa lưới điện quốc gia năm 2021 là 50,04 triệu kWh, chiếm khoảng 20% sản lượng điện tiêu thụ của tỉnh. Từ khi đi vào vận hành đến nay, các dự án thuỷ điện đã phát điện ổn định, bổ sung nguồn năng lượng quốc gia, tăng ngân sách cho địa phương, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội và tạo việc làm cho người lao động. Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển thủy điện nhỏ, năm 2021, toàn tỉnh có 10 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất lắp máy là 41,3 MW.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Quang Tuyên cho biết, theo Quy hoạch phát triển điện lực đã được Bộ Công Thương phê duyệt, đến năm 2025, nhu cầu phụ tải lớn nhất của tỉnh khoảng 150 MW, nhu cầu sử dụng điện khoảng 4,8 triệu kWh, trong khi đó hiện nay, tỉnh mới có 5 dự án thủy điện nhỏ vào vận hành phát điện chỉ đáp ứng được gần 20% nhu cầu, cộng thêm các thủy điện đã cấp chủ trương đầu tư, công suất khoảng 35 MW, nếu đi vào vận hành chỉ đáp ứng 50% nhu cầu điện năng của tỉnh. Vì vậy, quan điểm của tỉnh Bắc Kạn là thu hút đầu tư phát triển các dự án thủy điện nhỏ để khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có, huy động được nguồn lực cho đầu tư phát triển, bổ sung nguồn cho lưới điện quốc gia, góp phần quan trọng đảm bảo tự chủ nhu cầu điện năng của tỉnh và tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Thủy điện vừa và nhỏ nếu có cách thức quy hoạch và phương pháp xây dựng hợp lý thì sẽ hiệu quả và có nhiều lợi thế cạnh tranh như: Áp dụng công nghệ mới sẽ tăng được công suất, giá thành đầu tư thấp, đồng thời hồ chứa nước nhỏ, tác động không lớn đến dòng chảy, không gây áp lực lên hệ sinh thái, chi phí vận hành thấp, thay thế thiết bị đơn giản… Chính vì vậy, các nước phát triển đều khuyến khích. Việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ cũng là một phần được khuyến khích trong Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Vấn đề lưu tâm nhất là ảnh hưởng về môi trường và dân sinh kinh tế. Các vấn đề này đã được tỉnh nghiên cứu kỹ lưỡng ngay từ khâu quy hoạch, thiết kế dự án cho đến thiết kế chi tiết nhằm giảm thiểu các tác động đến môi trường. Các thủy điện mới chủ yếu có hồ chứa nhỏ, nhà máy sau đập, tận dụng tối đa chênh lệch hiện có của mực nước, điều tiết trong ngày và không ảnh hướng lớn đến dòng chảy tự nhiên. Các vấn đề liên quan đến đất sản xuất chủ yếu là đất bãi bồi và rừng trồng ven sông, không có giá trị kinh tế cao, vấn đề đường đi lại của người dân khi mực nước dâng cũng đã được xây dựng trong phương án.
Để phát huy hiệu quả của các dự án thủy điện, trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo rà soát, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật từ chủ trương đầu tư đến công tác quản lý, vận hành; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; yêu cầu chủ đầu tư chấp hành nghiêm việc đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình nhà máy thủy điện; giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị của Nhân dân theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh thủy điện nhỏ, Bắc Kạn cũng đang tích cực thu hút đầu tư vào điện gió và điện sinh khối vì tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch và khả năng truyền tải trong khu vực còn tương đối lớn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Quang Tuyên cho biết thêm, quan điểm của tỉnh Bắc Kạn là thu hút các nhà đầu tư đầu tư phát triển hợp lý, có hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo phục vụ tiêu thụ tại chỗ như điện gió, điện sinh khối và thủy điện nhỏ, vì đây là các nguồn điện có tiềm năng của tỉnh. Hiện tại, tỉnh chỉ đưa vào quy hoạch rất ít dự án, chủ yếu chú trọng các thủy điện nhỏ và siêu nhỏ phục vụ cho vùng sâu, vùng xa, nơi không có khả năng tiếp cận điện lưới, hiện Bắc Kạn khoảng 5% dân số không được tiếp cận điện lưới quốc gia hoặc chất lượng không ổn định.
Quan điểm này cũng phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ưu tiên cho phát triển nguồn điện cung cấp tại chỗ, giảm truyền tải đi xa nhằm giảm tổn thất điện năng.
Tuy nhiên, tỉnh Bắc Kạn cũng lựa chọn từng dự án để đảm bảo phát triển hài hòa, phát huy hiệu quả cao nhất của dự án, hạn chế thấp nhất tác động đến môi trường, đời sống xã hội của Nhân dân nhằm phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững. Đồng thời, UBND tỉnh cũng sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn đôn đốc, kiểm tra, giám sát để các dự án được chấp thuận đầu tư triển khai theo đúng tiến độ cam kết, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn (Tác giả Hương Lan)