Bắc Kạn thực hiện hiệu quả Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”

Bắc Kạn thực hiện hiệu quả Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”

Sau 3 năm thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018 – 2020, tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Bắc Kạn đã thực sự chuyển đổi từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/4/2016 của Đảng bộ tỉnh. Sản xuất nông – lâm nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển nhanh, đạt nhiều kết quả tích cực.

Đề án OCOP được Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ (là một trong bốn Chương trình trọng tâm của Nghị quyết 02-NQ/ĐH ngày 17/10/2015 của Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XI và Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 15/01/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh). Giữa giai đoạn,Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 8/4/2019 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án“Mỗi xã, phường một sản phẩm”); UBND tỉnh đã ban hành 19 Quyết định, 03 Kế hoạch và nhiều văn bản để chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình. Đề án đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện. Các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án của giải đoạn và hàng năm được cụ thể hóa trong Nghị quyết, Kế hoạch của Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh.

Đề án đã tạo ra phong trào khởi nghiệp sâu rộng trong cộng đồng, kết quả trong giai đoạn vừa qua đã có nhiều tổ chức cá nhân được thành lập và tham gia Đề án. Chính người dân và tổ chức kinh tế cộng đồng phát hiện ra tiềm năng thế mạnh của quê hương mình, họ tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tập trung sản xuất chế biến để các sản phẩm đó có chất lượng tốt nhất theo đúng quy chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường. Các chủ thể OCOP được nâng cao vị thế trong xã hội nên tự tin tham gia Đề án.

Đến hết năm 2020, đã có 76 chủ thể tham gia Đề án OCOP có sản phẩm OCOP được công nhận gồm: 12 cơ sở sản xuất/hộ gia đình, 03 Tổ hợp tác, 04 doanh nghiệp và 57 Hợp tác xã. Trong đó có 13 HTX tái cấu trúc ở các mức độ khác nhau (HTX dịch vụ nông nghiệp Hợp Giang, HTX Hương Ngàn, HTX Khẩu Nua lếch, HTX Mai lạp, HTX Mía đường Cường Lợi, HTX Nhung Lũy, HTX Phúc Ba, HTX Tài Hoan, HTX Thiên An, HTX Trần Phú, HTX trồng và chế biến dược liệu Bảo Châu, HTX Yến Dương). Các nội dung tái cấu trúc gồm: Thành viên, tổ chức, vốn, mô hình sản xuất, kinh doanh, sản phẩm…

Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các chủ thể thực hiện theo chu trình OCOP, các đơn vị chức năng trong từng năm cơ bản đã tập trung nguồn kinh phí được giao để tổ chức bồi dưỡng, tập huấn đầy đủ các lĩnh vực cho các chủ thể tham gia đề án, nội dung đi sâu vào từng lĩnh vực theo chức năng nhiệm vụ đã được giao. Thông qua các lớp bồi dưỡng, các tổ chức tham gia Đề án OCOP được nâng cao năng lực về năng lực quản trị, về tài chính, về phát triển sản phẩm, về kỹ năng phân phối, xúc tiến thương mại và lựa chọn các kỹ thuật, công nghệ phù hợp với điều kiện sản xuất của mình.

Hiện nay có nhiều hàng hóa trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh (miến dong, tinh bột nghệ…) được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Các sản phẩm sau khi sơ chế, chế biến được gia tăng giá trị, một số sản phẩm áp dụng công nghệ cao chế biến sâu gia tạo ra dòng sản phẩm cao cấp gia tăng giá trị lớn như Trịnh Năng Gừng, Trị Năng Curcumin, Vicumax – Nano curcumin; 20 sản phẩm tham gia Đề án OCOP sản xuất theo chuỗi giá trị.


Tinh bột nghệ là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của Bắc Kạn

Chất lượng sản phẩm được nâng lên. 100 % các sản phẩm OCOP đã có bao bì đẹp, thông tin đầy đủ theo quy định. 56 sản phẩm được đăng bán trên sàn giao dịch điện tử shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Voso…09 sản phẩm được ký kết tiêu thụ sản phẩm với trung tâm thương mại Big C-Hà Nội, đồng thời có sản phẩm Miến dong của HTX Tài Hoan xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài (Cộng hòa Séc…)… Chất lượng hàng hóa, bao bì mẫu mã được từng bước được cải thiện, nâng cao phù hợp với yêu cầu của thị trường. Trong số các sản phẩm được công nhận đã có 03 sản phẩm được cấp chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGap; 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn HACCP; 4 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu; 4 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý; 7 sản phẩm sử dụng nhãn hiệu tập thể…

Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 06 điểm bán hàng các sản phẩm OCOP tại thành phố Bắc Kạn và tại các huyện: Bạch Thông, Na Rì, Chợ Đồn, Ba Bể, riêng trên địa bàn huyện Ba Bể có 02 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP theo hình thức liên kết hoạt động với các khách sạn tại khu vực Hồ Ba Bể. Tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 02 điểm trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Kạn, lồng ghép với bán và giới thiệu sản phẩm OCOP thực hiện tại thành phố Bắc Kạn và huyện Ba Bể theo Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh. Các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng sẽ  góp phần quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng các sản phẩm nông sản chất lượng cao, có tiềm năng, thế mạnh của địa phương, kết hợp với phát triển các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Có thể nói, thành công của Đề án đã mang lại diệm mạo mới cho nền nông nghiệp tỉnh nhà, mở ra cơ hội để các sản phẩm nông sản của tỉnh có điều kiện vươn cao, vươn xa, hội nhập với thị trường trong nước và quốc tế trong thời đại kỷ nguyên số với sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử hiện nay./.

Nguyễn Nga

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content