Bắc Kạn xếp hạng thứ 7 toàn quốc về Chỉ số xanh

Năm nay, lần đầu tiên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) trong Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Theo kết quả này, Bắc Kạn xếp hạng thứ 7 trong toàn quốc, đây là động lực để Bắc Kạn tiếp tục phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững.

Bắc Kạn có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, tạo đà cho phát triển kinh tế xanh
(Ảnh: Rừng trồng tại huyện Pác Nặm)

Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh của các doanh nghiệp. Với tổng số 16.48 điểm, tỉnh Bắc Kạn được xếp hạng 7 trên toàn quốc về Chỉ số xanh cấp tỉnh, đứng thứ 2 trong khu vực miền núi phía Bắc.

Theo đó, 4 chỉ số thành phần của PGI được đánh giá bao gồm: Chỉ số giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, Bắc Kạn đạt 3,68 điểm, xếp thứ 20; Chỉ số đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu, Bắc Kạn đạt 5,79 điểm, xếp thứ 5; Chỉ số thúc đẩy thực hành xanh, đạt 5,09 điểm, xếp thứ 3; chỉ số Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường, đạt 1,91 điểm, xếp thứ 36.

Với tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, Bắc Kạn có nhiều lợi thế trong thực hành tăng trưởng xanh. Thực tế thời gian qua, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản đối với công tác bảo vệ môi trường. Cùng với đó, đưa ra nhiều kế hoạch triển khai thực hiện, các cấp, ngành chú trọng công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, trong đó kiểm tra thường xuyên công tác bảo vệ môi trường ở khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các đơn vị cũng quan tâm đưa vào vận hành các loại máy móc đảm bảo cho ra sản phẩm thân thiện với môi trường.

Bắc Kạn đang phấn đấu năm 2023 có 70% nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 50% chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn; đầu tư trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí thành phố Bắc Kạn; 50% các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường.

Để thực hiện mục tiêu trên, Bắc Kạn tập trung vào các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu thông qua việc xây dựng hệ thống dự trữ, các công trình đập trữ nước, hồ chứa nhằm cân bằng nguồn nước trong mùa mưa và mùa khô. Có chế độ quan trắc và kiểm tra thường xuyên đối với chất lượng nguồn nước ao, hồ, sông, suối; kiểm tra nghiêm nghặt việc thu gom, xử lý và xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong sử dụng nước và tiết kiệm nước.

Bắc Kạn tập trung vào phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, hạn chế sự phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, tiết kiệm tài nguyên đất, nước.

Công ty THHH Hà Diệp (thành phố Bắc Kạn) ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường vào chế biến sản phẩm trà hoa vàng

Một nhiệm vụ quan trọng được lưu tâm đó là tăng cường công tác giám sát và quản lý môi trường; đầu tư trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí thành phố Bắc Kạn. Cùng với đó là xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp đạt quy chuẩn trước khi xả vào nguồn tiếp nhận. Việc xử lý nước thải công nghiệp phải được kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra sự cố làm ảnh hưởng đến môi trường.

Về thúc đẩy thực hành xanh, Bắc Kạn tăng cường công tác quản lý buôn bán hóa chất bảo vệ thực vật và kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời hướng dẫn người dân sử dụng hóa chất đúng quy cách, liều lượng, khuyến cáo sử dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, hạn chế sử dụng hóa chất trong sản xuất. Vận động người dân có ý thức thu gom bao bì hóa chất sau khi sử dụng tập trung đưa đi xử lý. Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thực thi pháp luật về môi trường.

Bắc Kạn cũng triển khai đầy đủ các chính sách ưu tiên đầu tư và ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có áp dụng công nghệ hiện đại, sử dụng năng lượng sạch, có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường hiệu quả và sử dụng lao động địa phương. Tạo thuận lợi trong tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật về môi trường, phát triển bền vững. Xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về tăng trưởng xanh, khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch. Tiếp tục xây dựng, đa dạng hóa hơn nữa các chính sách để ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư theo hướng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, ít tiêu hao năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, thân thiện với môi trường. Đồng thời, xây dựng các bộ tiêu chí để sàng lọc, lựa chọn, đánh giá các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường…

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây tác động đến nhiều địa phương, việc quan tâm thực hiện Chỉ số xanh cấp tỉnh đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó, tạo động lực để tạo ra giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường. Quan điểm của tỉnh là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế một cách đơn thuần. Do đó, Chỉ số xanh cấp tỉnh được coi là công cụ chính sách hữu ích, có thể bổ trợ Chỉ số PCI để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường, đảm bảo phát triển bền vững của Bắc Kạn trong thời gian tới./.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn (Tác giả Hương Lan)

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content