Là tỉnh miền núi có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã từng bước quan tâm phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.
Số liệu thống kê của Sở KH&CN cho thấy, giai đoạn 2012 – 2020, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện 57 đề tài, dự án khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, trong đó có 10 nhiệm vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tổng kinh phí triển khai 57 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp là 67,637 tỷ đồng. Riêng kinh phí triển khai 10 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao là 14,647 tỷ đồng. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong 02 năm 2019 -2020, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai và hỗ trợ cho 14 hợp tác xã tham gia thực hiện việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ 4.500 triệu đồng.
Việc triển khai, thực hiện các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, người dân tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp được tiếp cận và nắm bắt được các tiến bộ kỹ thuật, quy trình công nghệ mới và đây được coi là bước khởi đầu để thay đổi tư duy của cán bộ chỉ đạo, thay đổi phướng thức sản xuất của người dân địa phương. Từ đó, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và dần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn trong giai đoạn 2021- 2025.
Trong đó, một số đề tài, dự án đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến và có điều chỉnh quy trình sản xuất đối với một số giống cây trồng, vật nuôi mới để phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng, địa phương với năng suất, chất lượng vượt trội hơn các giống bản địa như: Dự án xây dựng mô hình sản xuất quýt bền vững theo hướng VietGap; mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau tại thành phố Bắc Kạn; mô hình rau, quả thực hiện trên hệ thống thủy canh bán tuần hoàn hoặc trồng trái vụ ngoài đồng ruộng dưới vòm che thấp…
Theo đánh giá, sản phẩm nông sản sau khi thu hoạch có giá cao hơn so với nông sản không có nhãn mác bán ngoài thị trường khoảng 20-30%. Đặc biệt, một số mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thực hiện tại các địa phương đã tạo sức lan tỏa, nhân rộng ra địa phương lân cận, cụ thể: Mô hình sản xuất rau công nghệ cao tại Thành phố Bắc Kạn triển khai 1ha và nay đã nhân rộng được trên 20 ha; dự án mở rộng mô hình trồng cam xã Đoài với quy mô 30ha mô hình, đến nay người dân đã mở rộng thêm được trên 200 ha. Từ năm 2015 đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 06 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận VietGAP bao gồm lợn, gà, hồng không hạt, bí thơm, cam quýt, chè. Tiêu biểu, Hợp tác xã Phương Đức chăn nuôi gà với quy mô 2.000 con/lứa theo hướng VietGAP thông qua việc đào tạo tập huấn và thực hành thực tế, thông qua đó hợp tác xã đã biết cách ghi chép, lưu giữ hồ sơ truy xuất được nguồn gốc, nâng cao năng lực cho các thành viên hợp tác xã; sản xuất sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một chủ trương đúng đắn và phù hợp trong điều kiện chung của cả nước. Với điều kiện thuận lợi về tự nhiên, khí hậu, đất đai, lợi thế về môi trường, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục định hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đồng thời đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, thị trường cho chuỗi sản phẩm hữu cơ sẽ phù hợp với điều kiện và khả năng phát triển sản xuất nông nghiệp miền núi của địa phương./.
Nguyễn Nga