Tích cực tham gia tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.
Mơ vàng được chế biến tại Công ty TNHH Việt Nam Misaki (Khu Công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới) để xuất khẩu sang Nhật Bản
Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh về nội dung hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các chương trình, sự kiện hội nhập kinh tế quốc tế có sự tham gia của Việt Nam, các chủ trương, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh …
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, sáng tạo, linh hoạt trong việc giải quyết những thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng thông thoáng và tiện lợi, giảm bớt các thủ tục giấy tờ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Sắp xếp lại các cơ quan quản lý nhà nước, giảm dần đầu mối, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành. Phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp, khuyến khích việc hình thành các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, hợp tác xã sản xuất kinh doanh đa ngành, có đủ khả năng cạnh tranh trong cơ chế thị trường.
Tỉnh Bắc Kạn cũng đã cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân đạt 5,3%/năm, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp – thủy sản tăng bình quân 2,7%/năm; khu vực công nghiệp – xây dựng cơ bản tăng bình quân 7,0%/năm và khu vực dịch vụ tăng bình quân 5,9%/năm. Đến năm 2020, GRDP theo giá hiện hành đạt 12.829 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt trên 40,4 triệu đồng/người, tăng 12,1 triệu đồng so với năm 2015; năng suất lao động đạt gần 58 triệu đồng/lao động, tăng gần 20 triệu đồng/lao động so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng hướng, đúng trọng tâm, tăng dần tỷ trọng của khu vực dịch vụ, công nghiệp – xây dựng, giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp.
Là một tỉnh nông nghiệp, nên những năm qua, để phát triển nông nghiệp, tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm, chú trọng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Trong đó đặc biệt quan tâm giúp các địa phương thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Toàn tỉnh hiện có 1 liên hiệp hợp tác xã và 234 hợp tác xã (HTX), trong đó 57 HTX có 93 sản phẩm OCOP (chiếm tỷ lệ 70,1% sản phẩm OCOP của tỉnh), Bắc Kạn cũng đã có sản phẩm Miến dong của HTX Tài Hoan (Na Rì) xuất khẩu vào thị trường Châu Âu. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng, hoàn thiện cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường liên kết doanh nghiệp và nông dân; chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất tập trung tích tụ ruộng đất, sản xuất hàng hóa quy mô lớn; ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh và theo nhu cầu thị trường, hướng đến xuất khẩu.
Cùng với việc tập trung nâng cao giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm bản địa, sản phẩm chủ lực của tỉnh, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã tích cực triển khai các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, xúc tiến thương mại địa phương, phát triển thương mại điện tử để tăng khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường của các doanh nghiệp trên địa bàn. Từ năm 2015 – 2020, Bắc Kạn đã hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh tham gia 29 hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành phố trong cả nước như: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Cần Thơ… Từ năm 2018 đến nay, hằng năm tỉnh đều tổ chức sự kiện Tuần lễ giới thiệu các sản phẩm hàng hóa Bắc Kạn ngoài tỉnh và đạt được nhiều kết quả tích cực, sản phẩm của tỉnh được khách hàng trong nước biết đến và tin dùng, nhiều sản phẩm đã được ký kết hợp đồng đưa vào tiêu thụ trong hệ thống các siêu thị lớn như Big C, Vinmart…
Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa được tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả. Nếu như năm 2014, kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh chỉ đạt 1,025 triệu USD thì đến năm 2020 đã tăng lên 12,7 triệu USD; 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh đạt hơn 12,56 triệu USD.
Nhờ tích cực thực hiện xúc tiến đầu tư, tỉnh cũng đã kêu gọi được một số dự án đầu tư lớn như: Dự án khu du lịch sinh thái Sài Gòn – Ba Bể; Dự án đầu tư khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ba Bể Ecologde; Dự án sản xuất gỗ Lechenwood Việt Nam…
Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định trong thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã có chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương để nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, người dân; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ; tăng cường hợp tác với các tỉnh trong khu vực nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, sẵn sàng các điều kiện để thu hút làn sóng đầu tư mới chuyển dịch đến Việt Nam…/.
Nguồn : Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn .