Phát triển nông sản trở thành hàng hóa theo chuỗi giá trị

Tỉnh Bắc Kạn đang hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, gắn với hoạt động chế biến, liên kết tiêu thụ nhằm đưa nông sản trở thành hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng.

Xác định sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ là hướng đi chủ đạo, những năm qua, tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể; hỗ trợ máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất… góp phần tạo môi trường thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp.

Sau nhiều năm tỉnh đã xây dựng và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng trồng cây cam quýt, hồng không hạt, dong riềng, mơ, nghệ, lúa chất lượng cao, chè…

Nhờ Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” mà các loại cây trồng, vật nuôi đặc trưng, thế mạnh được chế biến thành nhiều sản phẩm có chất lượng được tiêu thụ tốt trên thị trường, người dân đang từng bước thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung với số lượng lớn hơn. 

Huyện Bạch Thông hiện có 47ha chè, trong đó thực hiện hơn 10ha chè sản xuất theo chuỗi giá trị tại xã Quân Hà. Huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn hỗ trợ người dân về giống, phân bón, tập huấn khoa học kỹ thuật trồng, thu hoạch, chế biến, đóng hộp bao bì sản phẩm, xúc tiến thương mại quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Đồng chí Đinh Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông cho biết: Thời gian tới, huyện tập trung phát triển 150ha chè trung du với định hướng là sản xuất chè hàng hóa theo chuỗi giá trị, xây dựng vùng hàng hóa tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Coi đây là hướng đi bền vững giúp nâng cao giá trị sản phẩm từ cây chè.

Hiện nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước quan tâm và có mức tiêu thụ rộng rãi như: Miến dong Tài Hoan, rượu men lá Bằng Phúc, trà Như Cố, trà hoa vàng, các sản phẩm từ nghệ, gạo nếp Khẩu Nua Lếch, hồng không hạt, bí xanh thơm…

Bên cạnh quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có chất lượng gắn với chế biến, tỉnh Bắc Kạn ưu tiên hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP thông qua các kênh bán hàng hiện đại, trong đó có sàn giao dịch thương mại điện tử.

Theo đó, tỉnh hỗ trợ nhiều HTX tham gia các đề án, dự án như: Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn xúc tiến bán hàng trực tuyến bằng phương thức tiếp thị đa kênh; xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu khách hàng; ứng dụng giải pháp quản lý bán hàng thông minh; hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, HTX xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Tổ chức khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng kinh doanh, tổ chức mạng lưới bán lẻ, tập huấn nâng cao năng lực về xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm, xây dựng website cho các HTX.

Thông qua các kênh thương mại điện tử, nhiều sản phẩm của các HTX được giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trong và ngoài nước. Một số sản phẩm nông sản và sản phẩm OCOP như: Gạo Bao thai, miến dong, gạo nếp Khẩu Nua Lếch, tinh bột nghệ, bí xanh thơm, mơ, chè… đã trở thành hàng hóa với chất lượng, mẫu mã, bao bì bắt mắt, truy xuất nguồn gốc rõ ràng được tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…/.

Nguồn: baobackan.com.vn (Tác giả Hà Thanh)

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content