Bắc Kạn định hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Sau 1 năm nỗ lực vượt khó, thực hiện Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở tỉnh Bắc Kạn đã định hình với nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao.

      Bắc Kạn là tỉnh có những điều kiện rất tốt để sản xuất nông nghiệp hữu cơ với các yếu tố về đất đai, không khí, nguồn nước chưa bị ô nhiễm, đáp ứng được các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ. Bên cạnh đó, các sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Kạn được chứng nhận OCOP tương đối đa dạng.

       Đến hết năm 2021, tỉnh đã có 155 sản phẩm OCOP. Một số sản phẩm nông sản như miến dong, gạo Khẩu Nua Lếch, gạo Bao thai, tinh bột nghệ, Nano Curcumin nghệ, bí xanh thơm, mơ chế biến… đã trở thành hàng hóa chất lượng cao và có chỗ đứng trên thị trường, tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở một số thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Miến dong Bắc Kạn đã đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 1984/QĐ-UBND ngày 20/10/2021 về Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1% tổng diện tích trồng trọt và đến năm 2030 đạt khoảng 1,5% diện tích đất trồng trọt bao gồm các cây trồng như lúa, dong riềng, cây ăn quả, chè Shan tuyết, cây dược liệu; 80% sản phẩm OCOP liên quan đến trồng trọt đạt tiêu chuẩn hữu cơ…

        Đồng thời, tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến cấp tỉnh về triển khai nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ chủ chốt các cấp và cán bộ chuyên môn của các sở, ngành, địa phương; xây dựng lộ trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh; yêu cầu của kế hoạch phải phát huy và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, phù hợp với nhu cầu của thị trường, đảm bảo an ninh lương thực, đời sống của người dân.

       Nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù của địa phương về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, trong đó có các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh;…

        Đồng thời, vận dụng linh hoạt các nguồn kinh phí Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP); nguồn kinh phí của Tổ chức “Bánh mì cho thế giới” để hỗ trợ chứng nhận sản xuất hữu cơ theo TCVN; đặc biệt là huy động và xã hội hóa nguồn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp…

        Đến thời điểm hiện nay, sau 1 năm thực hiện với rất nhiều khó khăn bước đầu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 60ha cây trồng (cây nghệ, sả chanh, chè Shan tuyết, dẻ) được cấp giấy chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ theo TCVN; 31,6ha cây trồng (lúa nếp Tài, dong riềng, bí xanh thơm, gừng) được cấp giấy chứng nhận theo quy trình sản xuất hữu cơ PGS. Các mô hình liên kết sản xuất hữu cơ (theo TCVN, PGS) với tổng diện tích khoảng 320ha với các cây trồng như: Chè Shan tuyết, dong riềng, mơ vàng, lúa, nghệ, bí thơm; chăn nuôi trâu, bò hữu cơ… phát triển mạnh.

        Cụ thể, có 6 sản phẩm chè của 04 hợp tác xã (HTX) thuộc 04 vùng nguyên liệu ở Chợ Mới, Ba Bể, Chợ Đồn đạt chứng nhận VietGAP, gồm: HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố, HTX Nông nghiệp Tát Vạ, HTX chè Mỹ Phương, HTX Nông nghiệp Thái Lạo. 01 sản phẩm hạt dẻ ở Ngân Sơn được cấp giấy chứng nhận hữu cơ; 03 sản phẩm Nano Curumin nghệ của Công ty Cổ phẩn Curcumin Bắc Hà chuẩn hóa vùng nguyên liệu đạt GACP-WHO; bí xanh thơm Ba Bể và gạo Nếp Tài của HTX Yến Dương được cấp giấy nhận hữu cơ PGS; 17 sản phẩm được cấp giấy xác nhận chuỗi an toàn thực phẩm…

        Dưa lưới của HTX thành niên Như Cố đã được chứng nhận sản phẩm hữu cơ

       Tại xã Yến Dương, sản phẩm lúa Nếp Tài của đồng bào Dao và bí xanh thơm đã cấp chứng nhận hữu cơ. Chị Đinh Tuyết Nhung, Giám đốc HTX Nhung Lũy chia sẻ: Nhận thấy sản phẩm lúa Nếp Tài và bí xanh thơm có chất lượng vượt trội, HTX đã hỗ trợ, tuyên truyền người dân sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chú trọng khoa học, kỹ thuật, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, tổ chức kiểm nghiệm và được công nhận sản phẩm hữu cơ.

        Đặc biệt, HTX nông nghiệp thanh niên Như Cố đã có 5 sản phẩm là chè búp tươi, dưa lưới, dưa lê, thanh long, mướp đắng rừng được công nhận hữu cơ. Đây thực sự là động lực thúc đẩy các tổ chức, cá nhân tập trung sản xuất sản phẩm hữu cơ.

        Thực tế cho thấy, hiệu quả của sản phẩm nông sản được chứng nhận hữu cơ đã có giá bán cao vượt trội, sản phẩm được thị trường ưa chuộng, mang lại lợi ích bền vững cho các hộ thành viên, người dân liên kết, góp phần đưa nông sản Bắc Kạn vươn ra thị trường.

         Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Chi Cục trưởng, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho biết: Sau 1 năm thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận, định hình hướng đi nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp, HTX sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít, quy mô nhỏ, thiếu vốn. Kinh phí chứng nhận các sản phẩm hữu cơ còn cao và khác nhau theo từng đơn vị chứng nhận; đến nay chưa có danh mục sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y được sử dụng trong hoạt động sản xuất hữu cơ. Cùng với đó, quy mô sản xuất hộ nhỏ lẻ, dẫn đến khó khăn trong việc tập trung diện tích để sản xuất hữu cơ.

        Để phát huy hết tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, tỉnh Bắc Kạn xác định quyết tâm hơn nữa để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, hướng tới xuất khẩu./.

Nguồn: baobackan.com.vn (Tác giả Phan Quý)

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content