Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều nỗ lực nhằm phát triển kinh tế tập thể phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, nòng cốt là hợp tác xã (HTX).
Trong năm 2017, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, tạo động lực giúp các HTX phát triển. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách địa phương cũng được cân đối để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX. Đặc biệt, việc ban hành “Sổ tay chính sách hỗ trợ HTX” đã giúp cho các HTX tiếp cận được chính sách một cách thuận tiện.
Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể bước đầu được các cấp, các ngành chú trọng. Công tác tổ chức triển khai Luật HTX năm 2012 và phát triển kinh tế tập thể được quan tâm thực hiện.Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, nhân dân, cũng như nhận thức của cán bộ, đảng viên, cán bộ quản lý HTX và thành viên HTX về kinh tế tập thể có những chuyển biến tích cực. Bộ máy theo dõi, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể từ tỉnh tới huyện đã được quan tâm, củng cố.
HTX rượu chuối Tân Dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng
khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất
Trong năm 2017, các HTX của tỉnh luôn duy trì hoạt động ổn định. Theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 127 HTX đang hoạt động. Trong đó có 97 HTX nông nghiệp và 30 HTX phi nông nghiệp. Năm 2017, toàn tỉnh thành lập mới được 52 HTX, đạt 289% kế hoạch năm. Một số HTX đã vươn lên tổ chức sản xuất kinh doanh tốt, mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Các HTX thành lập mới tuân thủ theo các quy định của Luật HTX 2012, dần ổn định sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho các thành viên người lao động trong các HTX. Tổng doanh thu của các HTX năm 2017 đạt 94,6 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 2,384 tỷ đồng. Lợi nhuận bình quân của một HTX đạt 88,3 triệu đồng. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 33 triệu đồng.
Các HTX thành lập mới trong năm đa số là vận động được người có bằng cấp, chuyên môn tham gia là thành viên HTX. Có những HTX có tới 60 -70% thành viên có bằng cấp từ trung cấp trở lên, tiêu biểu như: HTX TM&DV nông nghiệp Dương Phong; HTX đầu tư sản xuất, TMDV thanh niên Bắc Kạn khởi nghiệp, huyện Bạch Thông; HTX thành niên Như Cố; HTX 26/3; HTX NN&TM Hợp thành Thanh Vận, huyện Chợ Mới; HTX Pác Thoong, HTX nước sạch và vệ sinh môi trường, huyện Ngân Sơn…
Các tổ hợp tác hình thành rất phong phú và đa dạng theo nhu cầu liên kết của các thành viên, giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất và bước đầu đã khắc phục được một số mặt yếu kém của kinh tế hộ đơn lẻ như: Thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật, nhân lực và kinh nghiệm sản xuất, giúp các hộ tổ viên sử dụng có hiệu quả hơn về đât đai, lao động, vật tư, tạo tiền đề quan trọng để phát triển mới HTX.
Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều hoạt động tích cực, giúp cho sản phẩm HTX, đặc biệt là các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh khẳng định được thương hiệu, tìm được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, vươn lên phát triển bền vững. Các sản phẩm nông sản như: Miến dong, Quýt Bắc Kạn, gạo Bao Thai Chợ Đồn, gạo nếp thơm (Khẩu nua lếch Ngân Sơn), Bún khô, Hồng không hạt, Khoai môn, Bí xanh thơm… đã được đông đảo người tiêu dùng trong cả nước biết đến thông qua các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, thành công của Hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản Bắc Kạn tháng 11/2017 với việc ký kết các hợp đồng nguyên tắc, hợp tác kinh doanh, hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp sản xuất của tỉnh là bước tiến mở đầu cho tiến trình thúc đẩy, gắn kết giao thương, tạo cơ hội cho thương nhân, doanh nghiệp của tỉnh Bắc Kạn và các tỉnh, thành phố trong cả nước gặp gỡ, cung cấp, tiêu thụ sản phẩm nông sản có chất lượng của tỉnh Bắc Kạn.
Tuy nhiên, khó khăn nội tại của các HTX là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, năng lực còn hạn chế, tăng trưởng chưa ổn định, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao, số lượng HTX có lãi tăng nhưng mức lãi còn ít, đóng góp vào ngân sách Nhà nước và GDP của tỉnh còn thấp. Sự liên doanh, liên kết giữa các HTX với các thành phần kinh tế khác còn hạn chế do vậy chưa khai thác được thế mạnh về nguyên liệu, vốn, thị trường để phục vụ sản xuất kinh doanh tốt hơn. Đối với các HTX nông nghiệp chủ yếu chú trọng đầu vào cho sản xuất của hộ thành viên, dịch vụ đầu ra cho sản phẩm và phát triển ngành nghề còn ít. Một số HTX có điều kiện về vốn, thị trường vẫn còn ngại tổ chức sản xuất kinh doanh các ngành nghề ngoài nông nghiệp, nhiều HTX chưa huy động được vốn góp của thành viên nên thiếu vốn hoạt động, hạn chế việc tổ chức các dịch vụ sản xuất cho hộ thành viên, các khâu dịch vụ thiết yếu nhất mà các hộ có nhu cầu như tổ chức tiêu thụ sản phẩm, bảo quản chế biến nông sản thực phẩm, cung cấp tín dụng….
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ giúp các HTX xây dựng nhãn mác, bao bì sản phẩm hàng hóa, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, liên doanh, liên kết; xây dựng HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa có sức lan tỏa tại địa phương. Quan tâm củng cố, khắc phục những yếu kém của các HTX, tạo điều kiện cho các HTX phát triển, mở rộng nội dung, đa dạng hình thức hoạt động, thành lập mới, xây dựng và phát triển kinh tế tập thể trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên doanh, liên kết nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX./.
Nguyễn Nga