BBK – Xã Đôn Phong (Bạch Thông) có diện tích đồi rừng rộng lớn, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp cùng nhiều di sản văn hóa đặc sắc. Nếu khắc phục được khó khăn về giao thông, những tiềm năng này sẽ là lợi thế để khai thác du lịch trải nghiệm và phát triển kinh tế – xã hội.
Tuyến đường TP. Bắc Kạn – hồ Ba Bể đi qua 4 thôn của xã Đôn Phong với chiều dài khoảng 17km, sau khi đưa vào sử dụng sẽ giúp xã Đôn Phong tháo gỡ “điểm nghẽn” về giao thông.
HẠ TẦNG GIAO THÔNG LÀ ĐIỂM YẾU
Dù cách thành phố Bắc Kạn hơn chục cây số, nhưng đường giao thông đến trung tâm xã Đôn Phong không hề “gần” vì phải đi qua 02 cầu treo. Xe ô tô không thể lưu thông thuận tiện chính là rào cản khiến sản phẩm nông – lâm nghiệp khó tiêu thụ, chi phí vận chuyển cao.
Đôn Phong có 02 con sông chính chảy dọc theo chiều dài của xã, đất đai phì nhiêu màu mỡ, khí hậu ôn hoà. Thế mạnh của địa phương là sản xuất nông – lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc và phát triển cây ăn quả (cam, quýt, mơ, chuối tây) và cây chè. Diện tích đất tự nhiên lớn (trên 12.759ha), tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao… là những điều kiện thuận lợi để xã phát triển kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên, các ngành kinh tế trên chưa phát triển đúng với tiềm năng sẵn có tại địa phương.
Đa số bà con sống dựa vào rừng, do vậy công tác quản lý bảo vệ rừng được chính quyền quan tâm chỉ đạo, phân công các tổ tuần rừng thường xuyên. Người dân tập trung chăm sóc rừng trồng từ những năm trước, rừng trồng sau khai thác và chú trọng đầu tư trồng cây phân tán như: Mỡ, quế, keo… Năm 2022, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng của xã đạt 2.784m3.
Tuy nhiên, cũng bởi những khó khăn, bí bó trong phát triển sản xuất, nên tỷ lệ hộ nghèo của xã khá cao, gần 28%. Toàn xã hiện còn 115 hộ nghèo, 87 hộ cận nghèo.
KỲ VỌNG ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG, LỢI THẾ
Đôn Phong có 598 hộ, gồm các dân tộc: Tày, Dao, Nùng, Sán Chỉ, Hoa, Kinh… cùng sinh sống, trong đó phần lớn là dân tộc Dao. Điều này đã tạo nên nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của đồng bào nơi đây. Những phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc vẫn được lưu giữ và bảo tồn là lợi thế trong định hướng phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Bãi đá ở thôn Bản Chiêng nằm trên dải suối Nặm Cắt hứa hẹn là điểm du lịch sinh thái đầy tiềm năng ở xã Đôn Phong. Điều đặc biệt là địa điểm này cũng nằm trên trục đường thành phố Bắc Kạn – hồ Ba Bể. Khi tuyến đường hoàn thành sẽ là lợi thế mới để Đôn Phong có thể khai thác tiềm năng du lịch, kêu gọi đầu tư, tạo kết nối du lịch liên vùng với cung đường hồ Ba Bể – Na Hang (Tuyên Quang).
“Thời gian tới, xã Đôn Phong cần khai thác các lợi thế của địa phương, tận dụng hiệu quả sự đầu tư tuyến đường thành phố Bắc Kạn – hồ Ba Bể để phát triển. Muốn vậy, trước hết mỗi người dân và lãnh đạo xã phải có tư duy khác so với trước kia, tập trung phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng lợi thế. Chúng ta rất gần thành phố, có nhiều sông suối, nhiều cảnh đẹp đáp ứng nhu cầu du lịch sinh thái, nhiều phong tục tập quán, bản sắc văn hóa vẫn được lưu giữ và bảo tồn. Đây là lợi thế mà nhiều địa phương khác không có được”.
(Phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Duy Chinh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tại cuộc tiếp xúc với cử tri xã Đôn Phong, ngày 20/4/2023).
Sự phát triển của các địa phương khu vực miền núi phần lớn xuất phát từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước để khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng. Nhận thức rõ điều này, nên khi tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể được khởi công xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng đoạn qua địa bàn xã Đôn Phong khá thuận lợi. Xác định rõ tuyến đường trọng yếu này sẽ tác động lớn đến sự phát triển toàn diện của xã, các hộ dân đều thuận tình ủng hộ và sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Dự án giao thông trọng điểm, kết nối liên vùng đã được triển khai, xã cũng tập trung nguồn lực từ các Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới để nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cho những bước phát triển tiếp theo.
Năm 2022, xã thực hiện duy tu, bảo dưỡng 02 cầu treo (Nà Đán 1, Vằng Bó); xây dựng mới Nhà Văn hóa thôn Nà Váng; sửa chữa cải tạo Nhà Văn hóa thôn Lủng Lầu; đổ bê tông đường liên thôn Nà Lồm – Lủng Lầu, đường Bản Chiêng đoạn từ Vằng Vỉnh đến Nà Ngụt, đường Nà Váng, Nà Pán – Nặm Tốc… Diện mạo nông thôn đổi mới là cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại Đôn Phong.
Dự án giao thông thiết yếu kết nối liên vùng sắp hoàn thành, hứa hẹn sẽ khai phá tiềm năng du lịch của tỉnh Bắc Kạn, tạo bước đột phá trong liên kết vùng. Riêng đối với xã Đôn Phong, tuyến đường thành phố Bắc Kạn – hồ Ba Bể là “cánh cửa” mở ra hy vọng đánh thức tiềm năng và lợi thế. Từ đây, giao thông không còn là trở lực, mà sẽ là nền tảng tạo sức bật cho sự phát triển, tạo kết nối vùng cho du lịch và các lĩnh vực kinh tế nông- lâm nghiệp của xã./.
Nguồn: Báo Bắc Kạn điện tử (Tác giả Trang Lê