Năm 2020, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển kinh tế theo Kế hoạch số 55-KH/TU ngày 02/3/2017 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Năm 2020, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển kinh tế theo Kế hoạch số 55-KH/TU ngày 02/3/2017 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Năm 2020 là năm khó khăn chung của nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tất cả các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế công nghiệp, dịch vụ. Trước tình hình đó, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục triển khai đồng bộ hệ thống giải pháp chuyển dịch mô hình kinh tế và cơ cấu đầu tư trên các lĩnh vực.
Trong đó, các chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn và việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tác động tích cực đến đời sống nhân dân, đặc biệt là từng bước giúp người dân thay đổi nhận thức, có điều kiện tiếp cận và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến trong phát triển, sản xuất nông nghiệp góp phần làm tăng giá trị cho sản phẩm nông sản bản địa. Từng bước ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã chọn ra được nhiều giống lúa, giống ngô mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện của tỉnh Bắc Kạn vào cơ cấu giống của tỉnh; đồng thời khuyến khích người dân sử dụng các loại giống có nguồn gốc, kháng hoặc ít nhiễm sâu bệnh, giống lai có năng suất cao nhằm nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích. Các giống lúa mới đưa vào sản xuất là giống xác nhận, giống tiến bộ kỹ thuật, được nghiên cứu khảo nghiệm từ 3 vụ trở lên, nhờ đó năng suất lúa ngày càng tăng, góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh.
Nhằm thu hút các nguồn vốn thực hiện các chương trình chuyển giao tiến bộ, trong những năm qua ngành Nông nghiệp của tỉnh đã phối hợp, hợp tác với các tổ chức 3PAD, Unreed, Kfw8,… để triển khai thực hiện các mô hình phát triển sản xuất; phối hợp với các công ty thực hiện mô hình khảo nghiệm, thử nghiệm các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Thực hiện chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao, năm 2020, các địa phương duy trì 1.610 ha diện tích đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa và chuyển đổi mới được 180 ha trong năm 2020.
Thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế trong công nghiệp, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành các Đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành công nghiệp và triển khai thực hiện như: Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020, có xét đến năm 2025, đồng thời điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; ban hành danh mục các dự án công nghiệp thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025.
Qua đó, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến, hoạt động công nghiệp nhìn chung ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.334,2 tỷ đồng, đạt 96,4% kế hoạch, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong cơ cấu nội ngành công nghiệp, công nghiệp khai khoáng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, tuy nhiên hiện nay đang có xu hướng giảm, công nghiệp chế biến có xu hướng phát triển, tăng nhanh trong cơ cấu và dần trở thành ngành công nghiệp chính của tỉnh. Cụ thể, tỉnh tập trung phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm là thế mạnh của tỉnh, có giá trị gia tăng cao; hướng tới những sản phẩm hàng hóa có giá trị xuất khẩu lớn; sử dụng công nghệ cao. Phát triển mạnh các sản phẩm công nghiệp có giá trị kinh tế và lợi thế so sánh của tỉnh về chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng như: Chì kim loại, sắt xốp, ván ép, ván MDF, miến dong, gạch không nung…
Đối với lĩnh vực xây dựng cơ bản, tỉnh đã triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 theo quy định,năm 2020 UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 (nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương) để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2020 trên địa bàn tỉnh là 2.513 tỷ đồng, đến hết ngày 31/01/2021 giải ngân đạt 2.088,3 tỷ đồng, đạt 83,1% kế hoạch.
Năm 2020, lĩnh vực dịch vụ là lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh Covid-19: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn năm 2020 ước đạt 5.178 tỷ đồng, đạt 79,4% kế hoạch, bằng 96,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong cơ cấu nội ngành dịch vụ, ngành thương mại bán buôn, bán lẻ vẫn là ngành có đóng góp quan trọng nhất, bên cạnh đó các ngành có giá trị gia tăng cao như thông tin, truyền thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, giáo dục và đào tạo đang có xu hướng phát triển và đóng góp nhiều hơn vào cơ cấu và phát triển ngành dịch vụ của tỉnh.
Tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu năm 2020 đạt 12,77 triệu USD, đạt 127,7% kế hoạch, tăng 32% so với năm 2019, trong đó: Kim ngạch xuất khẩu đạt 7,5 triệu USD với mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gỗ dán ép, đũa gỗ, quả mơ, gừng đã qua sơ chế, miến dong; kim ngạch nhập khẩu đạt 5,2 triệu USD với mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị, veneer.
Trong giai đoạn tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch mô hình kinh tế và cơ cấu đầu tư phù hợp với tiềm năng thế mạnh của tỉnh, để kịp thời tận dụng các cơ hội, tạo tiền đề chuyển đổi rõ nét hơn mô hình tăng trưởng của tỉnh. Đồng thời tực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, gắn với xây dựng Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thu hút đầu tư vào tỉnh./.