Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp IFAD: 15 năm đồng hành cùng tỉnh Bắc Kạn

BBK – Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp IFAD có 15 năm đồng hành cùng tỉnh Bắc Kạn. Những nội dung mà IFAD triển khai đã đóng góp tích cực giúp các huyện, xã thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là xây dựng nông thôn mới.

Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc. Năm 2009 -2015 Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế IFAD tài trợ thực hiện Dự án “Quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông lâm nghiệp” viết tắt là 3PAD trên địa bàn tỉnh, đến năm 2017 – 2024 Quỹ tiếp tục đầu tư thực hiện dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh Bắc Kạn. Dự án được triển khai tại 33 xã thuộc 5 huyện Ba Bể, Ngân Sơn, Na Rì, Pác Nặm và Bạch Thông.

Năm 2023, ông Guoqi Wu, Phó Chủ tịch Điều hành IFAD đến thăm và làm việc tại tỉnh Bắc Kạn. 
Ảnh: Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn tặng quà là sản phẩm OCOP tiêu biểu 
của tỉnh cho ông Guoqi Wu.

HTX Tài Hoan, xã Côn Minh, huyện Na Rì là một trong 19 doanh nghiệp, HTX của tỉnh Bắc Kạn được hưởng lợi từ nguồn vốn của IFAD. HTX được hỗ trợ 01 dây chuyền sản xuất miến và 01 cân điện tử. Từ đó, sản lượng miến của HTX tăng lên gấp 3 lần. Chất lượng miến dong cũng tăng lên và đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Ngoài tiêu thụ ở các tỉnh thành phố lớn trong cả nước, sản phẩm này đã được xuất khẩu sang châu Âu.

                 Bà Hoàng Thị Chúc tại xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm với mô hình trồng kiệu
                                              do Quỹ APIF thuộc Dự án CSSP tài trợ

Ở xã vùng cao Xuân La của huyện Pác Nặm, trước khi có Dự án 3PAD bà con chỉ trồng cây gừng để phục vụ nhu cầu của gia đình. Từ năm 2015, sau khi thành lập nhóm trồng gừng, được hỗ trợ cây giống, tập huấn khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, bà con bắt đầu mở rộng diện tích. Đến nay, nhóm trồng gừng vẫn được duy trì, gừng đã trở thành cây trồng giúp người dân Xuân La và nhiều xã trong tỉnh thoát nghèo.

Công trình đường vào khu sản xuất Bản Nản - Pác Nghè, xã Khang Ninh được 
Dự án CSSP hỗ trợ đầu tư xây dựng.

Hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng của Dự án được đánh giá phù hợp và mang lại hiệu quả tích cực trong việc cải thiện điều kiện đi lại, giao thương hàng hóa giữa các xã trong vùng. Dự án gắn việc phát triển hạ tầng với vùng sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX kết nối vùng nguyên liệu và bao tiêu nông sản. Từ đó, giá trị sản phẩm tăng lên, khuyến khích các hộ dân đầu tư mở rộng quy mô. Các hộ dân trong cộng đồng được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc y tế và giáo dục được tốt hơn.

Giảm nghèo chính là mục tiêu tổng quát mà IFAD hướng đến khi tài trợ thực hiện các hợp phần tại Bắc Kạn. Sau 15 năm triển khai, Dự án đã góp phần giảm gần 1.700 hộ nghèo, cận nghèo. Tổ chức giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho trên 18.800 hộ dân với diện tích trên 62.000ha; xây dựng gần 470 công trình hạ tầng phục vụ trên 22.800 lượt hộ; thành lập và hỗ trợ 950 nhóm sở thích/tổ hợp tác thu hút trên 11.400 lượt hộ dân tham gia, trong đó có trên 7.100 hộ nghèo và cận nghèo.

Quỹ APIF hỗ trợ cho 19 doanh nghiệp/HTX, mang lại lợi ích cho trên 9.500 hộ gia đình. Phương pháp lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội có sự tham gia, theo định hướng thị trường thích ứng với biến đổi khí hậu được nhân rộng, áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh. Năng lực làm chủ đầu tư, sản xuất, lập kế hoạch và phát triển chuỗi giá trị của cán bộ, công chức các cấp được nâng lên rõ rệt. Người dân đã hiến trên 150ha đất, đóng góp hàng ngàn ngày công lao động (trị giá tương đương trên 42 tỷ đồng) để xây dựng công trình cơ sở hạ tầng.

Dự án triển khai 4 hợp phần, tập trung vào hoạt động như: Lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội có sự tham gia theo định hướng thị trường thích ứng với biến đổi khí hậu, giao đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình và cộng đồng; hỗ trợ xây dựng thành lập các THT/ nhóm sở thích xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp/HTX; đồng thời dự án cũng tập trung vào việc quản lý tài chính, trang thiết bị, thông tin và giám sát đánh giá.

Thực tế 15 năm qua cho thấy, những công cụ mà Dự án IFAD triển khai đã góp phần giúp các xã, huyện thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhiều mô hình liên kết phát triển theo chuỗi giá trị, góp phần giúp những sản phẩm thế mạnh của tỉnh được xây dựng thành sản phẩm OCOP. Qua đó giúp nâng cao thu nhập và giảm mức độ dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu của hộ nghèo và cận nghèo tại các xã mục tiêu của Dự án một cách bền vững./.

(Nguồn: baobackan.vn (Tác giả Triệu Hiển)

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content