Phát triển sản phẩm OCOP đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chương trình OCOP được chính thức triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn từ năm 2018 theo Quyết định số 851/QĐ-UBND ngày 24/5/2018 của UBND tỉnh.

Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình, với sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, hợp tác xã và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đảm bảo quy chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 218 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm OCOP 5 sao trong tổng số 42 sản phẩm đạt 5 sao quốc gia; 13 sản phẩm đã có vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ, VietGap, GACP-WHO; có 94,6% chủ thể đạt doanh thu tăng từ 1,1 lần trở lên…

Bí xanh thơm Ba Bể là sản phẩm OCOP được nhiều người tiêu dùng biết đến

Tuy nhiên, qua tổng kết, đánh giá, quy mô sản xuất sản phẩm OCOP còn manh mún, nhỏ lẻ. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP chưa cao (79/108 địa phương có sản phẩm); việc duy trì, phát triển sản phẩm OCOP chưa được quan tâm đúng mức; chưa tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển sản phẩm…

Để đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 9/5/2024 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh, trong đó yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến 2035 cùng các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, kinh tế tập thể, hợp tác xã…

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng, lợi ích của Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” của tỉnh Bắc Kạn thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương trong chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kỹ năng quản trị của chủ thể OCOP; củng cố, nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận và phát triển mới sản phẩm chủ lực của tỉnh để hình thành chuỗi giá trị các ngành hàng nhằm tạo đột phá về sức cạnh tranh, đáp ứng về số lượng, gia tăng giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn trong nước và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu. Quan tâm hỗ trợ chủ thể OCOP tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu thông qua các hội chợ triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP.

Huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn lực của chủ thể OCOP và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện đề án. Quan tâm đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ triển khai đề án tại các cấp và chủ thể OCOP. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện, nhất là việc duy trì, mở rộng sản phẩm; quản lý chất lượng.

Tiếp đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó yêu cầu chính quyền các cấp đảm bảo triển khai Đề án OCOP một cách đồng bộ, hiệu quả từ cấp tỉnh đến cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, phát triển ngành nghề, dịch vụ du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa, cảnh quan và môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. UBND các huyện, thành phố bố trí ngân sách địa phương, vận dụng các cơ chế chính sách, nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án ưu tiên hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP theo hướng có trọng tâm, trọng điểm phát triển các sản phẩm đặc sản, chủ lực, tiềm năng của địa phương.

Chú trọng, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong Chương trình OCOP; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; xây dựng cổng thông tin OCOP tỉnh Bắc Kạn với các nội dung đăng tải (giới thiệu Chương trình OCOP; tin tức – sự kiện; danh mục sản phẩm OCOP theo 6 nhóm ngành; bản đồ OCOP, sản phẩm OCOP, chủ thể OCOP, thị trường tiêu thụ; bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm…) hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về Chương trình OCOP.

Số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị gắn với giám sát – chứng thực của cơ quan quản lý nhà nước; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về Chương trình OCOP gắn với phát triển sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương…/.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn (Tác giả BH)      

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content