BBK – Sau 27 năm tái lập, tỉnh Bắc Kạn đã được đầu tư xây dựng tuyến cao tốc quy mô 4 làn xe. Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định tới tương lai, tiền đồ của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn các điều kiện để phát triển, nhất là hạ tầng giao thông.
Phối cảnh Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Chợ Mới – Bắc Kạn.
3 lần lỡ hẹn vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu
Ngày 24/5/2024 Bộ Giao thông Vận tải ra Quyết định số 666/QĐ-BGTVT phê duyệt đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới – Bắc Kạn. Quyết định này là thủ tục pháp lý quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định việc có thể triển khai, khởi công Dự án được hay không trong giai đoạn này. Khát vọng, niềm mong đợi bao lâu nay của cả tỉnh Bắc Kạn về một con đường cao tốc hiện đại, vươn xa tới mọi miền của đất nước giống như các tỉnh thành phố khác đã trở thành hiện thực.
Trong bản đồ giao thông Việt Nam, Bắc Kạn nằm trong số ít các tỉnh, thành phố của cả nước có nhiều hạn chế về hạ tầng giao thông. Khi nói tới Bắc Kạn người ta thường nghĩ tới tỉnh nghèo với “3 không”: không đường sắt, đường thuỷ, hàng không. Duy nhất chỉ có hệ thống đường bộ với mật độ, chất lượng phục vụ thấp (đến năm 2025 đạt 9,45km/100km2 thấp hơn tỷ lệ trong báo cáo VITRANSS công bố khoảng 88km/100km2 trung bình của cả nước). Trong khi, Quốc lộ 3 là con đường độc đạo nối Bắc Kạn với trung tâm kinh tế, chính trị lớn của cả nước là thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành phố khác. Tuyến đường này được xây dựng từ rất lâu, do thiết kế cấp thấp, đường hẹp, quanh co, địa hình hiểm trở một bên núi cao, một bên sông sâu, vô cùng khó khăn cho mở rộng nâng cấp, cản trở lớn đến sự phát triển trên mọi lĩnh vực của tỉnh. Cũng vì thế nhiều năm qua, Bắc Kạn vẫn nằm trong top các tỉnh khó khăn nhất cả nước.
Công tác chuẩn bị Dự án sớm được phối hợp thực hiện giữa Chủ đầu tư là Ban QLDA 2 Bộ GTVT và các sở, ngành, địa phương của tỉnh Bắc Kạn
Trước thực trạng đó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Kạn đã nhiều lần kiến nghị với Trung ương, mong được quan tâm đầu tư một tuyến đường mới phục vụ phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương. Đáp ứng nguyện vọng đó của tỉnh, giai đoạn 2011 – 2015, Bộ Giao thông Vận tải đã dự định mở rộng QL3 nối từ Thái Nguyên lên Bắc Kạn với nguồn vốn dự kiến là trái phiếu Chính phủ. Nhưng do bối cảnh nền kinh tế của nước ta khi đó gặp khó khăn, năm 2012 Dự án mở rộng QL3 bị đình hoãn theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Yêu cầu tạm dừng đầu tư mới các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, trong đó có dự án tuyến đường này.
Giai đoạn 2016-2020, đáp ứng mong mỏi của tỉnh Bắc Kạn, tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới đã được Bộ Giao thông Vận tải triển khai theo hình thức hợp đồng BOT, đồng thời nghiên cứu tiếp đầu tư đoạn Chợ Mới – Bắc Kạn. Do nguồn lực đầu tư công khó khăn, dự án tiếp tục được nghiên cứu theo hình thức đầu tư PPP, hợp đồng BOT. Tuy nhiên, sơ bộ đánh giá dự án không thể hoàn vốn đầu tư và chiều dài tuyến không đủ khoảng cách tối thiểu (60km) để bố trí thêm trạm thu phí. Phương án đầu tư dự kiến là ghép dự án tuyến Chợ Mới – Bắc Kạn vào Dự án QL3 mới đang sử dụng vốn ODA để thực hiện. Một lần nữa dự án lại tạm dừng do việc thu phí Dự án không phù hợp với quy định và Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT chỉ đầu tư dự án BOT trên đường mới để đảm bảo quyền của người dân khi sử dụng dịch vụ.
Giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT đã sớm cho nghiên cứu dự án chuẩn bị cho kỳ trung hạn 2021-2025 và được Quốc hội thông qua danh mục, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định giao vốn thực hiện quy mô đầu tư 02 làn xe. Tuy nhiên, một lần nữa dự án có nguy cơ lỡ hẹn khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm nhà nước, trong thời gian đi thị sát, kiểm tra các tuyến cao tốc đã quyết định “không đầu tư cao tốc 02 làn xe vì sẽ gây lãng phí nguồn lực đầu tư”. Khả năng cân đối vốn của Bộ GTVT tại thời điểm chuẩn bị dự án để nâng thành cao tốc 04 làn chưa có vì nguồn trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội bố trí còn hạn hẹp và đang tập trung để hoàn thiện trục cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn II.
Dự án chủ yếu đi qua địa phận huyện Chợ Mới.
Cao tốc đã ở trong tầm tay
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội về sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương 2022, Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Bắc Kạn đã đồng thuận báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ cho phép bổ sung phần vốn còn thiếu từ nguồn tăng thu NSTW 2022 để thực hiện điều chỉnh quy mô dự án thành đường cao tốc 4 làn hoàn chỉnh. Bộ GTVT đã yêu cầu Ban Quản lý Dự án 2 – Chủ đầu tư dự án triển khai đồng bộ các giải pháp, nội dung công việc, rút ngắn thời gian chuẩn bị để phê duyệt dự án trong tháng 5/2024, làm cơ sở để Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV giao vốn chính thức để triển khai thực hiện.
Như vậy, sau nhiều lần lỡ hẹn, với quyết tâm cao, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư Ban QLDA 2 và tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp chặt chẽ, gấp rút hoàn thiện các thủ tục, nỗ lực hết sức có thể, kiên trì theo đuổi mục tiêu, và kết quả cuối cùng đó là: Dự án tuyến đường Chợ Mới – Bắc Kạn đã được Quốc hội thông qua bố trí vốn, là cơ sở để Bộ GTVT phê duyệt dự án, đồng nghĩa với việc dự án chính thức được phép triển khai các bước đầu tư xây dựng. Việc đầu tư dự án với quy mô cao tốc 4 làn hoàn chỉnh sẽ từng bước hoàn thiện trục cao tốc CT07 (Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng) hiện đại, tạo hiệu ứng lan tỏa để phát triển kinh tế – xã hội không chỉ riêng tỉnh Bắc Kạn mà còn cả các tỉnh miền núi phía Đông Bắc Bộ./.
(Còn nữa)
Nguồn: baobackan.vn (Tác giả Phương Thảo)