Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 19/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 872/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối

Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh), xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của quy hoạch đã đề ra; xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch; thiết lập khung kết quả thực hiện theo từng giai đoạn làm cơ sở rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, làm cơ sở để xem xét điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra.

Kế hoạch bao gồm 5 nội dung chủ yếu: (1) Các chương trình, dự án triển khai thực hiện quy hoạch; (2) Kế hoạch sử dụng đất; (3) Nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch; (4) Giải pháp thực hiện; (5) Tổ chức thực hiện kế hoạch, cụ thể như sau:

Về các chương trình, dự án triển khai thực hiện quy hoạch

Đối với dự án đầu tư công: Tập trung triển khai thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trong đó ưu tiên cho việc hoàn thành và đẩy nhanh các dự án kết cấu hạ tầng tạo ra sức lan tỏa lớn, có tính kết nối liên vùng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh đảm bảo đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy liên kết vùng (Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng, Lạng Sơn – Bắc Kạn – Tuyên Quang) gắn với hành lang phát triển kinh tế,  hạ tầng lưới điện, cấp nước, thoát nước, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, hệ thống cấp nước tập trung phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, phòng cháy, chữa cháy…; Ưu tiên thực hiện các dự án phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng, phát triển rừng phòng hộ đáp ứng yêu cầu bảo vệ phát triển rừng bền vững, đảm bảo sinh kế cho người dân, các dự án phát triển hạ tầng về y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao, an sinh xã hội, di tích lịch sử, quốc phòng, an ninh.

Đối với các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh nhằm phát huy tối đa hiệu quả các công trình hạ tầng đã và đang được đầu tư bởi các dự án đầu tư công; thu hút đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các cực tăng trưởng của tỉnh. Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm: Hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp, hạ tầng logistics; hạ tầng thông tin, truyền thông; các dự án phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; dự án liên kết theo chuỗi giá trị; dự án công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao trong các khu, cụm công nghiệp; dự án phát triển nguồn điện tái tạo; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; cấp nước sạch; cơ sở hạ tầng y tế; giáo dục, văn hóa, thể thao, thương mại, dịch vụ.

Về kế hoạch sử dụng đất

Đối với kế hoạch sử dụng đất 05 năm 2021 – 2025: Thực hiện theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 về phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 05 năm 2021 – 2025 và Quyết định số 227/QĐ-TTg ngày 12/3/2024 về điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025; Quyết định số 95/QĐ-TTg ngày 16/11/2023 phê duyệt quy hoạch sử dụng đất an ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 47/QĐ-TTg ngày 09/5/2024 phê duyệt quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy định khác có liên quan đảm bảo sử dụng đất hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm, bền vững với tầm nhìn dài hạn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển văn hóa, giáo dục, thể thao; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực cho sự phát triển của Tỉnh.

Xây dựng kế hoạch sử dụng đất 05 năm 2026 – 2030: Thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai trên cơ sở nhu cầu phát triển, bảo đảm khả thi, hiệu quả, bền vững và phù hợp với các định hướng sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm của cả nước, Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc; khai thác sử dụng đất phải coi trọng công tác quốc phòng, an ninh, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái nhằm sử dụng đất ổn định và bền vững, phù hợp với chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế của Tỉnh và vùng; đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng gắn với quá trình hình thành khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ và mở rộng khu dân cư đô thị, nông thôn; dành quỹ đất hợp lý ưu tiên phát triển thương mại dịch vụ, du lịch, phát triển và mở rộng khu, cụm công nghiệp tập trung, các khu dân cư; dành đủ quỹ đất cho các mục đích văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục và đào tạo, công trình năng lượng, bưu chính viễn thông, nghiên cứu khoa học,… nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo vệ và phát triển diện tích rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn; duy trì tỷ lệ che phủ rừng 70% để bảo vệ môi trường.

Về nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch

Để bảo đảm mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt trên 7,5%/năm trong thời kỳ quy hoạch 2021 – 2030, tỉnh Bắc Kạn dự kiến cần huy động tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội dự kiến khoảng 105 nghìn tỷ đồng; trong đó vốn của khu vực Nhà nước sẽ được quyết định tại kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hằng năm và dự toán ngân sách nhà nước hằng năm theo pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước; vốn ODA thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn ODA; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn khu vực ngoài nhà nước phụ thuộc vào khả năng thu hút đầu tư của địa phương.

Về giải pháp thực hiện

Kế hoạch đưa ra 07 nhóm giải pháp, bao gồm: (1) Về thu hút đầu tư phát triển; (2) Về phát triển nguồn nhân lực; (3) Về phát triển khoa học và công nghệ; (4). Về bảo đảm an sinh xã hội; (5). Về bảo vệ môi trường; (6). Về bảo đảm nguồn lực tài chính; (7). Về bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trọng tâm của Kế hoạch là giải pháp thu đầu tư, trong đó tập trung huy động tổng hợp các nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Tỉnh và Trung ương. Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn các giai đoạn; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án quan trọng, cấp bách, có tính đột phá và sức lan tỏa; ưu tiên các công trình quan trọng, cấp bách, có tính kết nối, tạo động lực cho phát triển. Đồng thời, tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát việc thực hiện để đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công có hiệu quả. Nguồn vốn ngân sách tỉnh tập trung đầu tư các công trình lớn, quan trọng của tỉnh; không đầu tư dàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất như: Giao thông, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các khu công nghiệp, các dự án thoát nước, xử lý môi trường, các công trình thủy lợi…

 Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh; tạo lợi thế trong việc thu hút nguồn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thu hút làn sóng đầu tư mới có chất lượng nhằm phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp, chế biến nông, lâm sản của Tỉnh có lợi thế cạnh tranh. Tăng cường xúc tiến đầu tư thông qua các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong việc xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm.

 Triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư trên địa bàn Tỉnh. Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu khu, cụm công nghiệp, khu du lịch, các khu dịch vụ phục vụ công nghiệp… theo quy hoạch được duyệt. Chuẩn bị tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào địa bàn Tỉnh.

Tiếp tục xúc tiến các thủ tục quy hoạch, đất đai, xây dựng cho các dự án trên địa bàn. Ưu tiên rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án. Tăng cường thông tin, tuyên truyền và triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Rà soát các cơ chế, chính sách đang triển khai, đánh giá hiệu quả, bất cập, vướng mắc để định hướng sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành chính sách mới phù hợp với tình hình thực tế. Công khai các thông tin về cơ hội đầu tư, đảm bảo cơ hội công bằng giữa các nhà đầu tư.

 Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp như y tế, giáo dục, đào tạo nghề, văn hóa, thể thao, khoa học công nghệ,… . Nghiên cứu thành lập các quỹ như quỹ tín dụng nhân dân ở những nơi có nhu cầu và đủ điều kiện, phát triển các hệ thống các ngân hàng thương mại để tăng cường huy động vốn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Về tổ chức thực hiện

Thủ tướng Chính phủ giao Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn tổ chức công bố, tuyên truyền, phổ biến thông tin rộng rãi tới Nhân dân, các cơ quan, tổ chức liên quan, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài và chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn, tạo đồng thuận và điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án phát triển đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghiên cứu, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh.

 Định kỳ báo cáo đánh giá thực hiện Quy hoạch tỉnh, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Quy hoạch. Chủ động rà soát, kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ xem xét việc điều chỉnh Quy hoạch tỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn và điều kiện thực tế tại địa phương theo quy định hiện hành./.

Phương Thanh

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content