Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm 2024 đạt trên 8%, 6 tháng cuối năm Bắc Kạn phải đạt mức tăng trưởng 10%. Do đó, ngoài những nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra, các đơn vị, địa phương đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tăng tốc những tháng cuối năm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Quang Tuyên kiểm tra tình hình sản xuất
tại Công ty TNHH Nam Á Bắc Kạn, Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới
Nhiều vướng mắc cần hỗ trợ giải quyết
Giám đốc Sở Công Thương Hà Sỹ Thắng cho biết, được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhìn chung đã có những tín hiệu phục hồi, song nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Trong 6 tháng qua, toàn tỉnh ghi nhận có 45 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 14 doanh nghiệp giải thể, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do xuất nhập khẩu thu hẹp và thị trường bất động sản đình trệ khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm ngừng sản xuất. Đặc biệt, ảnh hưởng của cuộc xung đột quân sự trên thế giới khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất ván dán chủ lực trên địa bàn tỉnh chỉ sản xuất cầm chừng do cạnh tranh thị trường tiêu thụ, chi phí vận tải xuất khẩu qua đường biển tăng.
Kết quả GRDP lĩnh vực công nghiệp sản xuất công nghiệp của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 chưa đảm bảo kịch bản tăng trưởng của ngành, mới đạt 89,7% so với mục tiêu kế hoạch, điều này phản ánh hoạt động công nghiệp của tỉnh chưa đạt như kỳ vọng. Điều kiện khai thác các mỏ khoáng sản, đặc biệt khai thác hầm lò ngày càng khó khăn, phức tạp và chi phí sản xuất cao… nên sản lượng nhóm sản phẩm khai khoáng đạt thấp so với kịch bản, đồng thời các nhà máy chế biến khoáng sản đều thiếu nguyên liệu sản xuất. Một số sản phẩm trong lĩnh vực chế biến gỗ, có giá trị gia tăng cao sụt giảm về sản lượng sản xuất, điển hình như sản phẩm ván dán. Một số nhà máy phải dừng sản xuất do không có nguyên liệu phục vụ sản xuất như Nhà máy gạch của Công ty Cổ phần Xi măng Bắc Kạn – DATC, Nhà máy gạch Cẩm Giàng.
Mới đây, tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư năm 2024, nhiều doanh nghiệp đề nghị tỉnh tiếp tục có những chính sách ưu đãi trong việc xây dựng các công trình phụ trợ và đường giao thông phục vụ khai thác khoáng sản; hỗ trợ doanh nghiệp về nguồn nhân lực đã qua đào tạo nghề; tăng cường quảng bá, giới thiệu du lịch của tỉnh bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết dứt điểm đất chồng lấn khiến dự án của doanh nghiệp không thể triển khai được; hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn giá thị trường; giới thiệu vùng phù hợp để phát triển nguyên liệu; cung cấp điện sản xuất trong khu công nghiệp ổn định; xem xét tăng hạn mức cho vay vốn ưu đãi đối với các hợp tác xã; tình trạng nhiều đoàn kiểm tra liên tục vẫn diễn ra gây bức xúc, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã…
Không để kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp rơi vào im lặng
Theo kịch bản tăng trưởng, để năm 2024 tăng trưởng GRDP đạt 8%, hoàn thành kế hoạch đề ra, ngành nông, lâm, thủy sản phải tăng 4,7%; ngành công nghiệp – xây dựng tăng 15,1%; ngành dịch vụ tăng 11%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,5%. Với kịch bản tăng trưởng này, các lĩnh vực công nghiệp chế biến, sản xuất và phân phối điện thuộc khu vực công nghiệp; lĩnh vực xây dựng; dịch vụ lưu trú và ăn uống, bán buôn bán lẻ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải kho bãi, thông tin truyền thông, hoạt động kinh doanh bất động sản… thuộc khu vực dịch vụ được xác định là những động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Công Hòa cho biết, trong bối cảnh doanh nghiệp chưa hết khó khăn, để tăng trưởng đạt mục tiêu, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đánh giá, phân loại các tồn tại, vướng mắc theo các lĩnh vực quản lý nhà nước của từng ngành, từ đó tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh tổ chức các cuộc họp để trực tiếp chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan tập trung giải quyết, tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc, đồng thời phối hợp với các sở, ngành giải quyết các ý kiến của doanh nghiệp về những vướng mắc trong thủ tục hành chính.
Hiện UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các các sở, ban, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng, có tính liên kết vùng như tuyến đường thành phố Bắc Kạn – hồ Ba Bể; tuyến đường Chợ Mới – thành phố Bắc Kạn; Dự án xây dựng tuyến đường Quảng Khê – Khang Ninh, huyện Ba Bể; Dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông khu vực xung quang hồ Ba Bể, kết nối với tuyến đường thành phố Bắc Kạn – hồ Ba Bể và hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp Nam Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn; Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn II;… qua đó tăng tính kết nối, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp và tạo mặt bằng sạch thu hút các dự án đầu tư mới.
Từ ngày 1/8/2024, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ có hiệu lực. Để có những quyết sách kịp thời, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh xây dựng các cơ chế, trình tự thực hiện dự án phù hợp với quy định của pháp luật để hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư ngay từ bước nghiên cứu, khảo sát nhằm hạn chế tối đa các vấn đề phát sinh sau khi quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, sớm đưa các dự án đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả…/.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bắc Kạn (Tác giả Thu Cúc)