Thương mại điện tử đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế số. Bên cạnh sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý thì các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc thay đổi thói quen kinh doanh, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng kênh bán hàng, gia tăng sự hiện diện của thương hiệu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Thực hiện tốt công tác quản lý kinh doanh thương mại điện tử
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền các văn bản, chính sách, pháp luật, các quy định về quản lý và phát triển thương mại điện tử đến các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử cập nhật, nâng cao nhận thức, chấp hành theo quy định. Tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử, các lớp đào tạo cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn, có uy tín trong nước, nước ngoài… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn, uy tín trong nước kết nối, hỗ trợ các hội nông dân, hợp tác xã, hội doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia hoạt động kinh doanh trên nền tảng số để phổ biến, hướng dẫn các hội viên, cá nhân tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị thường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Hằng năm, Sở Công Thương đều triển khai kế hoạch phát triển thương mại điện tử, góp phần nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về vai trò, lợi ích, ứng dụng công nghệ thông tin phát triển thương mại điện tử trong cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và đăng ký website thương mại điện tử nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác khai thác, vận dụng thương mại điện tử trong công việc, áp dụng vào thực tiễn công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư vốn, nguồn nhân lực, xây dựng và sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng các phần mềm tin học trong quản lý doanh nghiệp theo định hướng phát triển thương mại điện tử.
Tập huấn tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho cán bộ, công chức quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Trong năm 2023, Sở Công Thương đã lựa chọn 8 thương nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có tiềm năng, phù hợp với mục tiêu phát triển thương mại điện tử của tỉnh và đáp ứng các tiêu chí, ưu tiên sản phẩm của các xã trong lộ trình hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 và các sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia sàn thương mại điện tử trong nước: Shopee và backanmarket. Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở tiếp tục hỗ trợ Công ty Cổ phần Công nghệ dược liệu Bắc Hà và Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Na Rì được tư vấn mở gian hàng và chăm sóc gian hàng trên sàn thương mại điện tử: Shopee, sendo, lazada, backanmarket, sanviet; hỗ trợ 8 doanh nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử uy tín. Theo đó, các thương nhân sản xuất kinh doanh và các thương nhân xuất khẩu được hỗ trợ đăng ký thương hiệu của đơn vị lên các sàn thương mại điện tử uy tín trong nước với mục tiêu quảng bá thương hiệu, bán sản phẩm đến người dùng trong nước, như hỗ trợ đăng ký, trưng bày gian hàng trên sàn thương mại điện tử; thiết kế tư liệu sản phẩm đưa lên sàn; tập huấn vận hành và bán hàng trên sàn; cấp tài khoản triển khai khóa học “Bán hàng online cho người mới bắt đầu làm hiệu quả ngay”…
Bà Nguyễn Thị Lê – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ dược liệu Bắc Hà, thành phố Bắc Kạn chia sẻ: “Công ty được các ngành chức năng hỗ trợ đưa các sản phẩm lên trang thương mại điện tử tỉnh, đồng thời Công ty cũng đẩy mạnh kinh doanh qua zalo, facebook, shopee, lazada. Nhờ ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh, hiện Công ty đã đưa được các dòng sản phẩm nano curmin chiết xuất từ củ nghệ nếp vàng lên các kênh online, nhờ đó mà Công ty tiếp cận được nhiều khách hàng, có cơ hội kết nối với đối tác tiềm năng, nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá thương hiệu”.
Ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp
Trên địa bàn tỉnh, 100% các doanh nghiệp đều đã đầu tư máy tính (PC, laptop) kết nối mạng internet băng thông rộng qua cáp quang, sử dụng email, zalo, facebook… để giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp; 100% các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã triển khai thực hiện chữ ký số, thực hiện khai hải quan, xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và kê khai thuế điện tử.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng chú trọng đến việc xây dựng trang website để quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và sản phẩm đến thị trường trong và ngoài nước; tích hợp tính năng đặt hàng trực tuyến, tương tác trực tuyến (zalo, facebook…), đa số website đều có phiên bản di động… Một số doanh nghiệp đã có cán bộ phụ trách về thương mại điện tử, tiếp cận và sử dụng tốt các công cụ về marketing online, đặt hàng, thanh toán và tham gia các sàn giao dịch trực tuyến: www.shoppe.com; www.lazada.vn; www.tiki.vn…
Một số trang website của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh để quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và sản phẩm đến thị trường
Các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông trên địa bàn tỉnh đa phần đều đã triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng và chấp nhận thanh toán hóa đơn của cá nhân, hộ gia đình qua hình thức không nhận tiền mặt. Trong đó, nhiều đơn vị như Điện lực, FPT đã đạt và duy trì tỷ lệ hợp đồng điện tử với khách hàng là 100%.
Anh Hà Thiên Thuận – Giám đốc Công ty TNHH Phjafood, huyện Bạch Thông cho biết: “Cùng với việc trực tiếp giới thiệu sản phẩm tại các cửa hàng, hội chợ thương mại, Công ty chúng tôi cũng đẩy mạnh kinh doanh online trên các trang mạng xã hội, mở rộng thị trường đến các tỉnh, thành trong nước. Nhờ đó, Công ty cũng có thể thu thập nhiều phản hồi của khách, điều chỉnh công thức chế biến phù hợp”.
Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp không phải tốn kém nhiều chi phí cho việc thuê cửa hàng, thuê kho chứa hàng, giảm chi phí nhân viên và doanh nghiệp có thể thực hiện marketing với chi phí thấp. Nhờ có thương mại điện tử, người tiêu dùng có thể thực hiện mua sắm ở khắp mọi nơi, có thể so sánh lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng với giá thấp hơn. Qua đó, tạo ra một sân chơi, khiến cho các doanh nghiệp buộc phải đổi mới, phải có chiến lược kinh doanh riêng giúp doanh nghiệp phát triển./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn (Tác giả Thu Cúc)