Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Ngày 22/7/2024, Chính phủ đã ký Nghị quyết 111/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn  đến năm 2045.

Tỉnh Bắc Kạn tập trung phát triển công nghiệp chế biến. Ảnh: Nguồn Internet.

 Mục đích, yêu cầu của Nghị quyết

Tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (các bộ, ngành, địa phương) tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Việc ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII được xây dựng trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 29-NQ/TW nhằm tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động.

 Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa mục tiêu và giải pháp chủ yếu nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết. Chương trình hành động của Chính phủ là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 29-NQ/TW.

 Bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng và chính quyền về vai trò và nội dung của chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xác định việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một trong những nội dung lãnh đạo quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương; gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, của từng ngành và từng cấp.

Mục tiêu phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%.

Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỷ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%; giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, chế biến bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD. Tỷ trọng của khu vực dịch vụ đạt trên 50% GDP, trong đó du lịch đạt 14 – 15% GDP.

Hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; xây dựng và phát triển được một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp…

Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết

Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau: (1) Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; (2) Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; (3) Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng; (4) Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo; (5) Phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; (6) Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; (7) Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; (8) Đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; (9) Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước; (10) Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm tốt an sinh xã hội.

Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ. Theo đó, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý chủ động nghiên cứu, tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 22/7/2024 của Chính phủ; Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 19/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 28/02/2023 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 20-CTr/TU ngày 12/01/2023 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hiện nay, các đơn vị, địa phương đang tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương./.

Phương Thanh

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content