BBK- Huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, nổi bật với tiềm năng phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với chuỗi liên kết. Huyện đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, HTX sản xuất và kết nối tiêu thụ, thúc đẩy nông nghiệp địa phương vươn xa.
Kết quả tích cực
Chợ Đồn đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), giúp kết nối sản xuất với thị trường tiêu thụ. Điểm sáng là việc thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm). Từ năm 2018 đến nay, huyện đã có 41 sản phẩm được chứng nhận OCOP, hiện duy trì 31 sản phẩm đạt chuẩn, trong đó có 3 sản phẩm 4 sao và 28 sản phẩm 3 sao.
Những cây chè shan tuyết cổ thụ
Xã Bằng Phúc nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, được biết đến với những gốc chè Shan tuyết cổ thụ. Sản phẩm chè Shan tuyết nơi đây đã được nhiều người biết đến và thị trường đón nhận. Trước đây, chủ yếu là bà con tự hái, tự sao bằng phương pháp thủ công. Từ năm 2019, Công ty TNHH phát triển nông nghiệp và chế biến dược liệu Ngọc Thắng bắt đầu liên kết với các hộ dân để thu mua chè về chế biến.
Ông Vũ Trí Phương, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và chế biến dược liệu Ngọc Thắng cho biết: Lúc đầu chỉ có hơn 10 hộ tham gia, đến nay toàn xã Bằng Phúc có hơn 60 hộ tham gia cung ứng nguyên liệu chè Shan tuyết cho công ty, các hộ tham gia đều được chúng tôi ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm… Hiện nay sản phẩm Chè Shan tuyết Ngọc Thắng của công ty đạt OCOP 4 sao được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận.
Sản phẩm trà Shan tuyết của Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và chế biến dược liệu Ngọc Thắng.
Huyện Chợ Đồn quan tâm chỉ đạo, định hướng các chủ thể OCOP thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các Chương trình mục tiêu quốc gia và HĐND tỉnh, căn cứ nhu cầu đề xuất của các hợp tác xã, từ năm 2020 huyện Chợ Đồn đã đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện 09 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp OCOP, gồm sản phẩm chè Shan tuyết Ngọc Thắng của Công ty TNHH phát triển nông nghiệp và chế biến dược liệu Ngọc Thắng, sản phẩm Hồng không hạt của HTX Tân Phong, sản phẩm Gạo Nhật Japonica của HTX Sơn Lâm, sản phẩm Trà hoa vàng của HTX Hoà Thịnh, sản phẩm Trà hoa vàng của HTX nông lâm Nghĩa Tá, sản phẩm Thịt lợn rừng lai Phúc Thơm Bắc Kạn của HTX Quỳnh Trang, sản phẩm Dâu tây Nam Cường của HTX thương mại và dịch vụ Toàn Dân, sản phẩm Phở khô và Bún khô của HTX Hồng Luân. Các dự án đều triển khai thực hiện có hiệu quả tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP của các hợp tác xã.
Những khó khăn, thách thức
Dù đạt được nhiều kết quả, quá trình phát triển nông nghiệp hàng hóa tại Chợ Đồn vẫn còn gặp nhiều thách thức như: Việc phát triển nông nghiệp hàng hoá cần có quy mô tập trung, tuy nhiên do yếu tố địa hình đồi núi chia cắt, ruộng đất manh mún và tâm lý của người dân chưa hướng tới sản xuất quy mô lớn nên các liên kết sản xuất đã và đang có còn nhỏ lẻ, phân tán, không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, HTX nên hiệu quả mang lại còn hạn chế. Người dân địa phương chưa thay đổi nhận thức về việc phát triển kinh tế theo hướng liên kết do ngại vấn đề tuân thủ các quy định về hợp tác, áp dụng kỹ thuật đồng bộ theo hợp đồng liên kết vì vậy khi các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh đến đặt vấn đề liên kết sản xuất quy mô lớn trên địa bàn huyện thường không đạt được theo mục đích đặt ra.
Năng lực quản lý điều hành của các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện còn hạn chế vì vậy khi được hỗ trợ theo các Dự án phát triển sản xuất thuộc các Chương trình MTQG thì khâu tổ chức triển khai thực hiện và duy trì các liên kết sản xuất còn lúng túng, chưa đề ra được cách thức tổ chức phù hợp với thực tế dẫn đến nhiều liên kết sản xuất không hiệu quả, không duy trì được sự ổn định.
Giải pháp tạo đột phá
Để khắc phục những tồn tại và thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa phát triển, huyện Chợ Đồn đã đề ra các giải pháp chiến lược trong thời gian tới.
Trước hết xây dựng quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp gắn với phát huy lợi thế từng địa phương với mục tiêu mỗi xã có từ một đến vài sản phẩm chủ lực gắn với thị trường; hướng vào các loại đặc sản, những sản phẩm độc đáo, chất lượng cao vốn có là sản phẩm truyền thống bản địa.
Trà hoa vàng đang được bà con khu vực xã Nghĩa Tá trồng, kỳ vọng sẽ là vùng nguyên liệu ổn định để giúp các HTX, doanh nghiệp chế biến sản phẩm trà hoa vàng.
Huy động các nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và Nhân dân để đầu tư kết cấu hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách hỗ trợ theo chính sách của tỉnh và các chương trình MTQG để đầu tư về giống cây trồng vật nuôi, kỹ thuật chăm sóc, ứng dụng khoa học công nghệ cho vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
HTX An Bình (xã Ngọc Phái) hiện có 3 sản phẩm OCOP 3 sao, trong đó có 02 sản phẩm trà hoa vàng đó là trà hoa vàng An Bình và trà hoa vàng túi lọc An Bình.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tới mọi người dân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi dần tư duy tiểu nông, chuyển sang phương thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, bền vững. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho các hợp tác xã trên địa bàn huyện, chú trọng kỹ năng xây dựng phương án sản xuất hiệu quả, nghiệp vụ tổ chức, quản lý, kế hoạch, tài chính, phương pháp tiếp cận thị trường, tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Chương trình OCOP và các dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tại Chợ Đồn đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy tiềm năng và thế mạnh địa phương. Các sản phẩm không chỉ được cải thiện về chất lượng mà còn gắn kết giữa nông nghiệp, du lịch và văn hóa. Đây là nền tảng quan trọng để huyện tiếp tục xây dựng thương hiệu nông sản, hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, bền vững và mang lại thu nhập cao cho người dân. Với những định hướng và giải pháp đồng bộ, Chợ Đồn đang từng bước tạo nên những đột phá trong nông nghiệp hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế địa phương và nâng cao đời sống người dân./.
Nguồn: baobackan.vn (Tác giả Mộc Lan – Đình Hợi)