Chè Phiêng An là sản phẩm của Tổ hợp tác nông sản sạch Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, đây là sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021.
Lựa chọn đúng cây trồng
Người dân thôn Phiêng An thu hái chè |
Thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông được thành lập trên cơ sở sáp nhập thôn Phiêng An I và Phiêng An II theo Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 26/8/2019 của HĐND tỉnh về việc sáp nhập thôn, tổ dân phố, tiểu khu; ghép cụm dân cư giai đoạn 2019 – 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và đổi tên tổ dân phố thuộc phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn. Trong đó, thôn Phiêng An II được thành lập từ năm 1992 – đây là nơi định canh định cư của các hộ dân tộc Dao chuyển từ xã Phương Linh và một số xã khác của huyện Bạch Thông đến. Kinh tế chủ yếu của bà con là trồng cây ăn quả và trồng chè.
Ngày những hộ đồng bào Dao mới chuyển đến thôn Phiêng An, nơi đây chỉ toàn cỏ tranh, đất khô cằn cỗi, đây là một thử thách lớn đối với các hộ dân mới chuyển đến định canh định cư. Nhờ sự cần cù siêng năng, các hộ dân đã tích cực khai phá, cải tạo đất hoang, trồng thử nghiệm nhiều loại cây như mơ, mía, xoài và thuốc lá… nhưng đều thất bại. Không nản chí, năm 1998, người dân trong thôn đã mạnh dạn trồng thử nghiệm cây chè và đã thành công.
Từ những năm 2000, cây chè được mở rộng diện tích và dần trở thành cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của bà con Phiêng An. Đến nay, toàn thôn Phiêng An có 23 hộ dân, trong đó có hơn một nửa số hộ trồng chè với diện tích 5 ha.
Chị Bàn Thị Mai cho biết, gia đình chị hiện có khoảng 1.000 m2 chè, mỗi năm thu hái được khoảng 3 tạ chè khô bán ra thị trường với giá bán trung bình 150.000 đồng/kg. Cùng với bán trái cây, đây là một nguồn thu nhập chính của gia đình chị.
Cùng với trồng rừng, cây ăn quả, việc thâm canh cây chè đã nâng cao mức thu nhập và đời sống của người dân thôn Phiêng An. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 42 triệu đồng/người/năm. Trong thôn không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo; 100% hộ dân có phương tiện đi lại và phương tiện sản xuất.
Nâng cao chất lượng sản phẩm chè
Sản phẩm Chè Phiêng An tham gia trưng bày tại các sự kiện trong tỉnh |
Trung bình một năm, đồng bào Dao ở Phiêng An thu hoạch chè trong 8 – 9 tháng, thu rộ từ tháng 4 đến tháng 8, với giá bán 150.000 – 200.000 đồng/kg. Cùng với cây ổi, cây chè trở thành cây trồng chủ lực của Phiêng An.
Với mong muốn nâng cao thu nhập từ cây chè, năm 2020, chị Hà Thị Hậu cùng một số hộ dân trong thôn Phiêng An đã bàn nhau thành lập Tổ hợp tác nông sản sạch Phiêng An với sản phẩm chủ lực là chè.
Chị Hà Thị Hậu – Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, từ xưa đến nay, mọi hoạt động sản xuất trong thôn đều được các hộ gia đình cùng làm thông qua hình thức đổi công. Chính vì vậy, để liên kết các hộ cùng nhau thâm canh cây chè, nâng cao chất lượng, tạo được sự cạnh tranh cho sản phẩm chè của thôn trên thị trường, nâng cao thu nhập, chị đã cùng một số hộ trồng chè thành lập Tổ hợp tác. Hiện nay, Tổ hợp tác 4 thành viên với gần 2 ha chè gồm các giống chè ta, chè Kim Tuyên; riêng gia đình chị trồng 0,4 ha chè giống Long Vân. Quá trình thâm canh hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu hái chè hoàn toàn thủ công.
Ngay sau khi thành lập, nhằm hỗ trợ Tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Quang Thuận đã trang bị cho Tổ hợp tác một số máy móc, thiết bị như máy hút chân không, máy vò, tôn quay. Ngoài có trang thiết bị sản xuất, các thành viên Tổ hợp tác cũng được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh chè; chuyển đổi giống chè chất lượng cao. Chính vì vậy, năng suất, chất lượng chè tăng lên, việc tiêu thụ cũng dễ dàng hơn. Năm 2021, sản phẩm Chè Phiêng An được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Chị Hà Thị Hậu cho biết, trong thời gian tới, Tổ hợp tác sẽ đầu tư nâng cấp các trang thiết bị, đa dạng mẫu mã, tăng cường quảng bá để sản phẩm được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bắc Kạn (Tác giả Hương Dịu)