Chợ Đồn: Phát triển kinh tế từ mô hình trồng củ kiệu

Nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, tận dụng quỹ đất hiện có, huyện Chợ Đồn đã vận động người dân phát triển các loại cây trồng phù hợp với khí hậu, đất đai, trong đó, trồng cây kiệu là một lợi thế, mở ra hướng đi triển vọng trong sản xuất nông nghiệp.

Phân bón cho cây kiệu được cấp đến cho người dân Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái

Mô hình do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện làm chủ đầu tư, Hợp tác xã (HTX) An Bình đứng ra liên kết, bao tiêu sản phẩm. Năm nay là năm thứ ba HTX An Bình liên kết với xã Ngọc Phái phát triển cây kiệu trên địa bàn.

Gia đình bà Lục Thị Sải, thôn Bản Diếu, xã Ngọc Phái là một trong 16 hộ dân được tham gia Dự án trồng cây kiệu do UBND xã Ngọc Phái liên kết với HTX An Bình thực hiện trong vụ đông vừa qua. Đây là lần đầu tiên bà tham gia dự án theo chuỗi liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm; với sự hỗ trợ kỹ thuật, quy trình chăm sóc và trao đổi kinh nghiệm thường xuyên giữa các hộ nên gần 2.000 m2 kiệu của gia đình phát triển tốt. Khi thu hoạch, củ kiệu được bán với giá 8.000 đ/kg, sản lượng đạt từ 1.900 kg đến 2.000 kg/1.000 m2, sau khi trừ chi phí trung bình 1.000 m2 kiệu, hộ dân sẽ thu được trên 7 triệu đồng.

Đến thăm mô hình trồng kiệu tại thôn Bản Cuôn 2 khi bà con đang tập trung trồng kiệu cho kịp thời vụ, bà Triệu Thị Đường vừa nhanh tay trồng cấy vừa cho biết, vụ xuân này, gia đình có hơn 2.000 mđất cho HTX liên kết để trồng cây kiệu. Thành công từ những năm trước tạo động lực để gia đình tiếp tục phát triển cây kiệu trong năm nay. Bà cho biết thêm, một số diện tích khó khăn về nguồn nước, khi trồng kiệu lại là một lợi thế. Trồng kiệu mang lại hiệu quả hơn cây ngô nên bà sẽ tiếp tục đăng ký trồng kiệu nếu những năm tới HTX An Bình triển khai.

Còn bà Triệu Thị Sinh ở thôn Bản Cuôn 2 cho biết, củ kiệu trồng để xuất bán sang Nhật nên mọi quy trình kỹ thuật, từ trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, nhất là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch, gia đình tôi không phun bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào, làm cỏ hoàn toàn bằng thủ công. Ngoài phân bón hóa học, gia đình còn sử dụng phân bón hữu cơ được cấp theo dự án để tăng độ màu mỡ cho đất, tạo điều kiện cho cây củ kiệu phát triển.

Các hộ dân thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái tập trung trồng kiệu

Theo HTX An Bình, củ kiệu có thời gian sinh trưởng và thích nghi với điệu kiện khí hậu và thổ nhượng tại địa phương, có khả năng chống chịu bệnh, năng suất đạt khá. Năm nay, HTX liên kết với xã Ngọc Phái trồng 2 ha cây kiệu. Ngoài cung cấp phân bón, đơn vị còn phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân. Toàn bộ sản phẩm củ kiệu sẽ được HTX bao tiêu. Với hiệu quả mang lại, HTX tính toán mở rộng diện tích trong thời gian tới.

Thời gian qua, nhằm phát huy tốt lợi thế, tiềm năng sản xuất nông nghiệp, huyện Chợ Đồn đã quan tâm hướng vào sản xuất hàng hóa tập trung theo nhu cầu của thị trường. Dựa vào khí hậu, thổ nhưỡng, các xã đã lựa chọn những cây trồng phù hợp để tuyên truyền, vận động người dân triển khai, thực hiện, qua đó đã góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác./.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn (Tác giả Hương Lan)

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content