Tăng cường sản xuất vật liệu xây dựng và những giải pháp đồng bộ

BBK – Những năm gần đây Bắc Kạn có nhiều dự án đầu tư công trình giao thông, xây dựng, cụm công nghiệp, các nhà máy chế biến khoáng sản, lâm sản, do đó nhu cầu sử dụng vật liệu tăng cao.

Đưa dây chuyền hiện đại vào khai thác, chế biến VLXD sẽ giúp ổn định nguồn cung, giảm giá thành sản phẩm.

Tại Bắc Kạn nguồn cung cấp vật liệu xây dựng (VLXD) như xi măng, sắt thép, gạch ốp lát, thiết bị điện … đều ở ngoài tỉnh nhập vào, đặc biệt là cát xây dựng.

Duy nhất VLXD sản xuất chế biến từ các mỏ khoáng sản đá vôi, nguồn tài nguyên đủ để đáp ứng khai thác. Tuy nhiên, do nhu cầu trong các năm không đồng đều, nên việc tính toán công suất gặp khó đối với các doanh nghiệp khai thác, chế biến thuộc lĩnh vực này. Nếu khai thác quy mô nhỏ khi nhu cầu thị trường lớn thì không có nguồn để bán, mà đầu tư sản xuất lớn thì nguy cơ tồn đọng cao kéo theo khó khăn về vốn, đội chi phí sản xuất.

Để đáp ứng nhu cầu VLXD trong thời gian tới, với sự vào cuộc của các cấp ngành, tỉnh hiện có những giải pháp căn cơ về sản xuất, cung cấp VLXD như tăng sản lượng; các mỏ khoáng sản đá vôi đã làm thủ tục nâng công suất khai thác, một số mỏ đã hoàn thiện thủ tục bắt đầu hoạt động khai thác, một số mỏ đang hoàn thiện thủ tục, dự kiến bắt đầu khai thác vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Những doanh nghiệp còn vướng mắc về thủ tục giấy phép, mặt bằng, đất đai và các thủ tục liên quan như đầu tư máy, thiết bị để khai thác và chế biến tiếp tục được các ngành chức năng hỗ trợ.

Nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo cơ quan chức năng cử bộ phận cung cấp những thông tin cần thiết cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp có kế hoạch điều chỉnh công suất, đảm bảo cung cầu phù hợp.

Việc nắm bắt thông tin quy hoạch, thông tin các dự án sớm, giúp doanh nghiệp chế biến, khai thác VLXD đáp ứng được nguồn cung cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công .

Ông Hoàng Thanh Oai, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Hiện nay, VLXD sau khai thác chế biến từ mỏ đá vôi trên địa bàn tỉnh còn sản lượng khá. Tuy nhiên, nhiều dự án công trình không gần khu vực khai thác. Để đáp ứng nhu cầu VLXD, chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh và các doanh nghiệp khai thác vật liệu xây dựng từ đá vôi có giải pháp nâng công suất hoạt động. Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép. Đối với những mỏ khai thác hết sản lượng cần khẩn trương đánh giá về nhu cầu tiêu thụ. Từ đó sẽ tính toán việc nâng công suất nhằm mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư và cân bằng nguồn cung cho vùng thiếu vật liệu sản xuất.

Từ thực tế cho thấy, thời gian qua công tác đấu thầu mỏ được triển khai đồng bộ, nhiều mỏ đã được cấp phép; một số mỏ trong quá trình rà soát, thẩm định, tháo gỡ vướng mắc để sớm đưa vào khai thác. Việc nâng công suất mỏ đang là giải pháp khá thuận lợi, giảm được vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thời gian làm thủ tục chỉ khoảng hơn 3 tháng nếu đơn vị tư vấn làm tốt.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện đã cấp 20 giấy phép khai thác khoáng sản đá vôi làm vật liệu xây dựng với tổng công suất 512.000m3 đá nguyên khối/năm tương ứng với 718.680m3 đá thành phẩm/năm. Theo số liệu các doanh nghiệp báo cáo kết quả khai thác năm 2023 là 434.706mđá nguyên khối, đạt 90,8% so với công suất khai thác. Dự kiến khả năng cung ứng năm 2024 và 2025 với khối lượng 1.009.587m3. Có 13 mỏ cát sỏi đã được cấp phép với tổng công suất 149.800m3/năm; Khối lượng khai thác năm 2023 là 61.955mđạt 51,8 % so với công suất khai thác. Nguyên nhân sản lượng khai thác đạt thấp là do điều kiện khai thác cát sỏi của các mỏ rất khó khăn. Dự kiến khối lượng cung ứng năm 2024 và 2025 khoảng 217.070m3.

Việc thiếu VLXD từ mỏ đá vôi trong thời gian qua ở thành phố Bắc Kạn, huyện Chợ Đồn đã được phối hợp tháo gỡ, như Mỏ đá vôi Suối Viền, phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn của Công ty Cổ phần Hồng Hà từ 55.000m3/năm lên 100.000m3/năm từ tháng 12/2023; mỏ đá vôi Lũng Cà, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn của Công ty TNHH Thương mại Thắng Lợi từ 8.500m3/năm lên 42.500m3/năm từ tháng 8/2024.

Một số mỏ đang hoàn thiện thủ tục nâng công suất như Mỏ đá vôi Cốc Ngận tại phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn của Công ty Cổ phần Khoáng sản Việt Thắng nâng công suất từ 55.000m3/năm lên 150.000m3/năm. Mỏ đá vôi Kéo Lạc Mò tại xã Bành Trạch, huyện Ba Bể của DNTN Việt Anh công suất từ 12.000m3/năm lên 51.050m3 trong năm 2025. Mỏ đá vôi Khưa Trạng, xã Sơn Thành, huyện Na Rì của Công ty TNHH SH Sơn Hà đề nghị nâng công suất từ 31.500m3/năm lên 50.000m3/năm.

Những dự án, khu, cụm công nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều loại VLXD với khối lượng lớn, vì vậy, cần chia sẻ thông tin để các đơn vị sản xuất, chế biến được biết.

Ông Hà Sỹ Thắng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: Chúng tôi chỉ đạo các phòng chuyên môn, đối với các thủ tục lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Sở giải quyết phải giải quyết nhanh nhất, ngắn nhất thời gian làm thủ tục cho các đơn vị, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đá vôi cũng mong muốn, các chủ đầu tư dự án chia sẻ, cung cấp thông tin dự kiến của giai đoạn hay quy mô của các công trình sắp khởi công để các doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh, nhằm tránh tình trạng thiếu hụt./.

Nguồn: Báo Bắc Kạn điện tử (Tác giả Trần Tuyến)

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content