BBK – Có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây dược liệu nên những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn xuất hiện nhiều mô hình trồng, chế biến dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế khá, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân.
Sản phẩm cao cà gai leo của HTX trồng và sản xuất Dược liệu Bảo Châu.
Ảnh: Triệu Hiển
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy Bắc Kạn về phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo triển khai thực hiện phát triển vùng nguyên liệu dược liệu gắn với mô hình sản xuất dược liệu đạt tiêu chuẩn hữu cơ với quy mô ngày càng được mở rộng.
Cà gai leo, giảo cổ lam là 02 loại dược liệu được HTX trồng và sản xuất Dược liệu Bảo Châu tại thôn Phiêng Bang, xã Văn Lang, huyện Na Rì trồng và chế biến. Đây là những loại cây dược liệu dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng huyện Na Rì. Với 1.000m2 trồng cà gai leo, sau khi trừ đi chi phí thu lợi nhuận 25,2 triệu đồng/năm; giảo cổ lam thu lợi nhuận 23 triệu đồng/năm. Hiệu quả kinh tế mà cây dược liệu đem lại đã giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Hiện nay, HTX trồng và sản xuất Dược liệu Bảo Châu đang tập trung mở rộng nhà xưởng, xây dựng kho bãi, đầu tư máy móc để đáp ứng các quy chuẩn trong sản xuất; xây dựng phương án sản xuất, liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đây là hướng phát triển kinh tế phù hợp, góp phần giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp bền vững, thúc đẩy kinh tế địa phương.
Vùng trồng nguyên liệu sản xuất cao tía tô của Tổ hợp tác Quân Hà.
Ảnh: Triệu Hiển
Xã Quân Hà, huyện Bạch Thông là xã thuần nông, các cây trồng chủ yếu như ngô, lúa mang lại giá trị sản xuất thấp. Nhận thấy những tác dụng của cây tía tô, bà Đinh Thị Diệp, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) Quân Hà đã mạnh dạn thành lập THT trồng và sản xuất các sản phẩm dược liệu từ loại cây này. Qua 02 năm trồng cho thấy, cùng diện tích sản xuất nhưng cây tía tô đem lại thu nhập cao gấp 5 lần so với các loại cây nông nghiệp khác.
Các sản phẩm của THT nông nghiệp Quân Hà.
Bà Đinh Thị Diệp chia sẻ: Hiện nay, THT Quân Hà đang liên kết với 07 hộ dân để trồng 1ha tía tô. Mục tiêu đề ra là năm 2025, THT có 5ha trồng tía tô; các sản phẩm trà búp tía tô, cao tía tô, trà túi lọc tía tô búp ổi đạt chứng nhận OCOP.
Những năm trở lại đây, nghệ Bắc Kạn trở thành sản phẩm được nhiều người biết đến với các sản phẩm tốt cho sức khỏe như: Tinh bột nghệ nếp, viên tinh nghệ mật ong, viên con nhộng nghệ, bột nghệ, nghệ thái lát, nghệ sấy củ… HTX Nông nghiệp Tân Thành là một trong những đơn vị đi đầu trong việc chế biến các sản phẩm từ nghệ.
Chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc HTX Tân Thành cho biết: Với mục tiêu phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nghệ nếp, HTX luôn chú trọng tạo vùng nguyên liệu, đầu tư nâng cao năng lực sản xuất. Mỗi năm HTX giúp tiêu thụ ổn định hơn 2.500 tấn nghệ nếp cho người dân trên địa bàn tỉnh, giúp bà con trồng nghệ có thêm thu nhập, góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế.
Sản xuất các sản phẩm từ nghệ tại HTX Tân Thành. Ảnh: Triệu Hiển
Ông Ma Văn Quang, người dân thôn Thôm Mèo, xã Xuân La cho biết: “Từ khi có HTX Tân Thành đến ký hợp đồng và tiêu thụ nghệ cho các hộ trong thôn, ai cũng phấn khởi và yên tâm sản xuất. Giá nghệ hữu cơ còn được HTX mua với giá cao hơn so với thị trường, người dân không còn nỗi lo được mùa mất giá”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau gần 4 năm triển khai, tỉnh Bắc Kạn đã trồng được 595/550ha cây dược liệu các loại (không tính quế, hồi), đạt 108% mục tiêu đến năm 2025. Thực tế cho thấy, việc trồng cây dược liệu đang là hướng đi đúng, nhất là đối với các địa phương vùng cao. Đây không chỉ là hướng giúp bà con thoát nghèo bền vững mà còn có thể vươn lên làm giàu hiệu quả./.