Các hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, tăng năng suất lao động, sản lượng và chất lượng sản phẩm. 

Nghệ thái lát sấy khô bằng hơi tại HTX nông nghiệp công nghệ cao BK FOOD

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao BK FOOD là HTX đầu tiên trên địa bàn tỉnh áp dụng công nghệ sấy hơi để sản xuất sản phẩm sấy khô đảm bảo chất lượng, đáp ứng thị trường khó tính Châu Âu và Mỹ. Hiện nay, HTX đã có các sản phẩm hoa hồi khô, nghệ và gừng thái lát sấy khô, măng nứa sấy khô được xuất khẩu sang Anh và Mỹ.

Chị Lê Thị Hương – Giám đốc HTX cho biết, để có được các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, ngoài việc liên kết với các đối tác trong nước và nước ngoài, người dân xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn Organic, HTX còn đầu tư máy móc, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hiện nay, các sản phẩm của HTX được sản xuất bằng công nghệ sấy hơi, đảm bảo sấy Organic, đảm bảo sản phẩm không vướng các tiêu chuẩn về than, khói bụi. Năm 2024 là năm thứ hai HTX xuất khẩu các sản phẩm sấy khô sang thị trường nước Anh và vừa tiếp cận được thị trường nước Mỹ. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, HTX vừa đầu tư thêm một nồi hơi công suất lớn với 4 bể sấy hơi, mỗi mẻ sấy 5 – 7 tấn nguyên liệu và sẽ có thành phẩm sau 1 – 2 ngày.

HTX Nông lâm tổng hợp Địa Linh (huyện Ba Bể) mặc dù mới được thành lập và đi vào hoạt động được hơn một năm nhưng bước đầu đã và đang hoạt động có hiệu quả. Năm 2023, HTX được hỗ trợ 1 máy sấy nhiệt, 1 máy cắt khúc rau củ quả theo đề án khuyến công địa phương, giúp cho HTX tăng năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm trà bí xanh thơm.  

HTX Nông lâm tổng hợp Địa Linh sử dụng máy cắt khúc rau củ quả trong sản xuất trà bí xanh thơm 

Anh Hoàng Văn Thứ – Giám đốc HTX Nông lâm tổng hợp Địa Linh chia sẻ, được hỗ trợ đầu tư kịp thời máy móc thiết bị trong chế biến trà bí xanh thơm, HTX đã tạo ra sản phẩm trà bí xanh thơm có chất lượng, giữ được hàm lượng dinh dưỡng, màu sắc và mùi vị của bí xanh thơm cao hơn so với phương pháp thủ công và được người tiêu dùng đánh giá cao khi lựa chọn sử dụng, qua đó, tăng doanh thu cho HTX, góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương làm việc trực tiếp tại HTX với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng, đồng thời đảm bảo bao tiêu nguồn nguyên liệu bí xanh thơm cho các hộ dân liên kết trồng bí xanh thơm trên địa bàn xã.

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, HTX Dương Quang đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến. Hiện nay, các sản phẩm của HTX Dương Quang đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường; HTX đã có các sản phẩm lạp sườn gác bếp Dung Dinh, thịt lợn gác bếp Dung Dinh, thịt lợn khô Dung Dinh được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Theo Giám đốc HTX Dương Quang Nông Thanh Nhã, năm 2018, HTX tổ chức lại và đúng thời điểm tỉnh bắt đầu triển khai Chương trình OCOP, các thành viên HTX qua tuyên truyền đã nhận thức được rằng muốn sản phẩm có giá trị thì phải đảm bảo chất lượng, có đầy đủ nhãn mác và bao bì đẹp và biết quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường… chính vì vậy, HTX mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại nâng cao chất lượng sản phẩm, thiết kế nhãn mác cho từng sản phẩm. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, HTX mạnh dạn đầu tư nhà màng để trồng dưa lưới, dâu tây, bí nụ, trồng hoa… Thực tế sản xuất cho thấy, sử dụng hệ thống nhà màng trong sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp hiệu quả, giải quyết tốt bài toán năng suất, chất lượng cũng như tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản địa phương.

Hiện nay, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất được nhiều HTX chú trọng, từ việc đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, chủ động tìm kiếm, hợp tác với các đơn vị liên kết để sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 218 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm OCOP 5 sao, 17 sản phẩm OCOP 4 sao và 200 sản phẩm OCOP 3 sao; đã có sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” như thị trường Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ.  

Hiệu quả từ sản xuất thực tế cho thấy, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất là yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng suất, giá trị của sản phẩm. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX cũng gặp phải nhiều khó khăn như thiếu vốn để đầu tư, thiếu nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu công việc …

Nhằm tạo điều kiện cho các HTX có điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Bắc Kạn đã và đang hỗ trợ các HTX đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị, chuyển giao, tiếp nhận khoa học, kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất, nhất là công nghệ về sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm./.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn (Tác giả Hương Dịu)

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content