Mặc dù còn nhiều tiềm năng lợi thế và dư địa để phát triển các dự án chăn nuôi lợn, song tỉnh Bắc Kạn không thu hút ồ ạt mà có chọn lọc, đảm bảo đầu tư hiệu quả.
Nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi lợn
Những năm qua, công tác phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng trên địa bàn tỉnh nhận được nhiều nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia; từ ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, mặc dù chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao… song tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh hằng năm vẫn đảm bảo đạt và vượt kế hoạch, cụ thể tổng đàn lợn năm 2022 tăng 15% so với năm 2021, năm 2023 đạt 102% kế hoạch.
Tuy nhiên, chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh nhìn chung vẫn chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, nông hộ (dưới 10 đơn vị vật nuôi); tổng đàn lợn trong khu vực này chiếm tỷ lệ khoảng 80% tổng đàn toàn tỉnh.
Hiện Bắc Kạn còn nhiều dư địa để phát triển lĩnh vực chăn nuôi lợn tập trung. Với lợi thế là đất đai rộng, mật độ chăn nuôi bình quân của tỉnh rất thấp so với diện tích đất nông nghiệp và so với các tỉnh trong khu vực, đặc biệt, do các quy định chặt chẽ của Luật Chăn nuôi quy định chi tiết khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quy định mật độ chăn nuôi; cùng với các quy định nghiêm ngặt về vị trí, khoảng cách, bảo vệ môi trường,… nhiều tỉnh, thành có tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư cao, quỹ đất hạn chế, mật độ chăn nuôi đã tiệm cận hoặc hết hạn mức về mật độ chăn nuôi.. cho nên mấy năm gần đây có dịch chuyển số lượng lớn các dự án đầu tư về phát triển chăn nuôi lợn của các công ty, doanh nghiệp chăn nuôi lớn từ các tỉnh đồng bằng lên các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc để tận dụng dư địa về mật độ chăn nuôi, đất đai, trong đó có tỉnh Bắc Kạn.
Hai năm trở lại đây, các hình thức chăn nuôi trên địa bàn bước đầu có sự chuyển dịch từ nhỏ lẻ sang gia trại, trang trại quy mô lớn của các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết đầu tư. Trên địa bàn tỉnh đã có 16 dự án chăn nuôi lợn của 15 doanh nghiệp, hợp tác xã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.721 tỷ đồng, trong đó có 8 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, 7 dự án đang thực hiện các thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng các hạng mục công trình… Tính riêng tổng đàn lợn thuộc các trang trại của các doanh nghiệp, hợp tác xã hiện chiếm gần 20% tổng đàn lợn toàn tỉnh.
Theo báo cáo đánh giá của UBND tỉnh, 8 dự án chăn nuôi lợn đã đi vào hoạt động duy trì quy mô chăn nuôi thường xuyên hơn 4.200 con lợn nái, 14.400 lợn thịt. Nhìn chung, các dự án đều hoạt động có hiệu quả, góp phần gia tăng tổng đàn và sản lượng thịt lợn. Theo tính toán, với quy mô chăn nuôi thường xuyên của 8 dự án trên, hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng gần 100.000 lợn con, 3.000 tấn thịt lợn, phục vụ nhu cầu về con giống trong chăn nuôi và thực phẩm của người tiêu dùng, đem lại doanh thu cho doanh nghiệp, góp phần vào tăng trưởng và phát triển kinh tế nông nghiệp hằng năm của tỉnh.
Trang trại nuôi lợn sinh sản công nghệ cao Trần Phú tại thôn Khuổi Khiếu, xã Trần Phú, huyện Na Rì hiện duy trì chăn nuôi gần 1000 con lợn nái, tạo việc làm cho hơn 100 công nhân
Lựa chọn dự án chăn nuôi phù hợp, tạo được bước đột phá trong sản xuất
Trên cơ sở định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các sở, ngành chuyên môn đang rà soát toàn bộ những dự án chăn nuôi lợn, đánh giá cụ thể hiệu quả, hạn chế trong thời gian qua; đồng thời đề xuất các giải pháp, quy định cụ thể các tiêu chí, điều kiện để tận dụng lợi thế của địa phương, qua đó thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển chăn nuôi lợn, đặc biệt là các dự án chăn nuôi theo hướng chăn nuôi tập trung công nghiệp, sản xuất hàng hóa với năng suất cao, sản lượng lớn, tạo được những đột phá trong sản xuất nông nghiệp, góp phần vào tăng trưởng và phát triển kinh tế nông nghiệp.
Cụ thể, Bắc Kạn đang điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với kế hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh, đảm bảo mật độ nuôi hợp lý với diện tích đất sử dụng.
Về quy mô đầu tư, tỉnh chủ trương khuyến khích các dự án đầu tư mới đề xuất quy mô ở mức từ 10.000 lợn thịt/lứa/1dự án trở lên), tương đương quy mô nuôi từ 20.000 lợn thịt/năm/1 dự án hoặc không quá 3.000 lợn nái/1 dự án. Riêng đối với các dự án chăn nuôi lợn theo mô hình chăn nuôi tuần hoàn không quy định về quy mô đầu tư. Đồng thời, các dự án chăn nuôi lợn phải đáp ứng các điều kiện về chăn nuôi trang trại như vị trí, khoảng cách an toàn, mật độ chăn nuôi, chuồng trại,… theo quy định của Luật Chăn nuôi, các quy chuẩn kỹ thuật và các quy định khác có liên quan.
Ưu tiên nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm trong thực hiện các dự án đầu tư về chăn nuôi trong tỉnh hoặc các địa phương trong cả nước. Trong đó, ưu tiên nhà đầu tư đã thực hiện thành công ít nhất 1 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, các dự án đề xuất đầu tư phải đáp ứng các tiêu chí bắt buộc về năng lực tài chính, điều kiện giao đất, cho thuê đất,… theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai và các quy định khác có liên quan. Nhà đầu tư cam kết sử dụng lao động chủ yếu là người địa phương, làm tăng thu cho ngân sách, đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP), góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp địa phương.
Ưu tiên dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Các dự án áp dụng các biện pháp kỹ thuật bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường; khuyến khích các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải và xử lý toàn bộ chất thải phát sinh đảm bảo quy chuẩn trước khi xả chất thải ra môi trường. Các dự án gắn với sản xuất, chế biến và liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm, tạo được vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, chế biến, góp phần thúc đẩy các ngành dịch vụ phụ trợ phát triển…/.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn (Tác giả Thu Cúc)