Tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024

Ngày 07/8/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 532/KH-UBND về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024.

Để tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, Kế hoạch năm 2024 đã đề ra mục tiêu tổng quát đó là phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia kinh tế tập thể, HTX; không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống và bảo đảm an sinh xã hội cho các thành viên, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển xã hội xanh, nhanh, bền vững. Khuyến khích các HTX ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đồng thời nhằm tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất, sức cạnh tranh và khả năng thích nghi trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường vai trò nòng cốt trong các hoạt động tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

(Sản phẩm từ Bí xanh thơm của HTX Yến Dương được chứng nhận hữu cơ PGS)

Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã triển khai một số chính sách hỗ trợ phát triển HTX, lồng ghép trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phát triển KTTT, xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển KTTT hàng năm, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, đơn vị, qua đó, nhiều HTX đã phát huy hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh mang lại lợi ích cho thành viên và ngày càng khẳng định KTTT mà nòng cốt là hợp tác xã là một chủ thể quan trọng trong cung cấp dịch vụ và kết nối liên kết sản xuất cho các hộ gia đình để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và nông dân tiến tới sản xuất bền vững, góp phần vào việc thực hiện giảm nghèo tại địa phương.

(Chị Lý Thị Quyên (phía trái) giám đốc HTX Thiên An với một số sản phẩm tiêu biểu của HTX)

Tính đến 30/6/2023 toàn tỉnh có 674 tổ hợp tác, 371 HTX và 02 Liên hiệp HTX. Số HTX thành lập mới là 36 HTX đạt và vượt Kế hoạch năm 2023 đã đề ra. Công tác phát triển KTTT, HTX đã có những chuyển biến tích cực, số lượng tổ hợp tác, HTX thành lập mới qua các năm phát triển mạnh với các mô hình phát triển đa dạng; các tổ chức KTTT đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém, ngày càng được củng cố về tổ chức, nâng cao năng lực nội tại, tích luỹ đầu tư phát triển, đáp ứng ngày càng nhiều hơn nhu cầu lợi ích của thành viên. Song song với đó, mặc dù số lượng các tổ chức KTTT vẫn đang tiếp tục tăng về số lượng, tuy nhiên chất lượng hoạt động của một số HTX chưa cải thiện nhiều, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hiện đại của HTX vào quá trình sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; quy mô sản xuất nhỏ lẻ…

Năm 2024, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu hoàn thành các mục tiêu cụ thể như sau: Phấn đấu thành lập mới 01 Liên hiệp HTX: Thành lập mới từ 35 HTX trở lên; củng cố các HTX đưa tỷ lệ HTX hoạt động yếu kém xuống còn dưới 10%. Lợi nhuận bình quân HTX: 85 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân thành viên HTX: 60 triệu đồng/năm. Số cán bộ quản lý HTX đạt trình độ cao đẳng, đại học: 180 người; trình độ sơ cấp, trung cấp: 210 người và phấn đấu thành lập mới từ 25 Tổ hợp tác trở lên.

Để hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch đề ra, tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như:

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX, gắn với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển KTTT, HTX; củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy, cán bộ trực tiếp tham mưu về lĩnh vực KTTT từ tỉnh đến cơ sở để theo dõi, giám sát, tạo điều kiện cho KTTT phát triển.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể, HTX chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường; cùng với đó chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm để xây dựng thương hiệu có uy tín trên thị trường… ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại trong hoạt động sản xuất kinh doanh để đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên và người lao động trong HTX, nhất là cán bộ quản lý HTX.

Chú trọng phát huy nguồn nội lực của hợp tác xã, tận dụng tối đa nguồn hỗ trợ của Nhà nước, nguồn tín dụng, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng hạ tầng cơ sở cho sản xuất và chế biến; tăng cường liên kết với doanh nghiệp, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường cho sản phẩm của các tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Liên minh Hợp tác xã tỉnh để thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong phát triển KTTT, HTX, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Quan tâm công tác biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả… tạo động lực, khuyến khích người dân và các HTX khác mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương./.

Hà Nhung

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content