Ứng dụng, nhân rộng sản phẩm các đề tài/dự án khoa học và công nghệ

Triển khai nhân rộng, ứng dụng các đề tài/dự án khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống là mục tiêu, là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, thời gian qua, các đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt Quy chế ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu các đề tài, dự án khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện nhân rộng kết quả các đề tài dự án vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

Ứng dụng kỹ thuật trồng dưa lưới trong nhà màng của Hợp tác xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn đem lại năng suất, chất lượng tốt

Trong giai đoạn 2015 – 2021, trên địa bàn tỉnh triển khai 70 đề tài/dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó đã nghiệm thu 42 đề tài/dự án và đang triển khai 24 đề tài/dự án. Các đề tài/dự án thực hiện trên địa bàn tỉnh tập trung vào 4 lĩnh vực chính: Khoa học nông nghiệp; khoa học kỹ thuật và công nghệ; khoa học y dược và khoa học xã hội. Trong đó, lĩnh vực khoa học nông nghiệp (bao gồm các nhiệm vụ về nông, lâm nghiệp) có 52/70 đề tài/ dự án, chiếm 74,3%.

Các đề tài/dự án thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp tập trung xây dựng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào chọn tạo giống tốt, nhân giống và áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, phòng trừ bệnh dịch tổng hợp trên cây trồng, vật nuôi gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; xây dựng quy trình kỹ thuật, hoàn thiện công nghệ sản xuất một số sản phẩm đặc sản của tỉnh, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị sản phẩm, khẳng định vị thế trên thị trường.

Các sản phẩm đề tài/dự án khoa học sau khi nghiệm thu và bàn giao đã được các đơn vị, địa phương tiếp tục duy trì, nhân rộng có hiệu quả. Trong đó, có nhiều sản phẩm nổi bật của tỉnh, có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu như: Miến dong Bắc Kạn, Mơ vàng, Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, Gạo Bao thai Chợ Đồn, Chè Shan tuyết Bằng Phúc… Nhiều sản phẩm được duy trì, nhân rộng với quy lớn, hiệu quả cao như: Giống Thuốc lá C9-1 được sản xuất 700 ha tại huyện Ngân Sơn và 13,7 ha tại huyện Na Rì; mô hình trồng Cam Xã Đoài được nhân rộng với diện tích hơn 225,0 ha tại huyện Na Rì, 7,85 ha tại huyện Chợ Đồn; nhân rộng 7 nhà lưới và 20 ha rau dưới vòm che thấp tại các xã, phường thuộc thành phố Bắc Kạn; nhân rộng 14 ha diện tích Mơ vàng tại xã Nông Thượng và phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn…

Bên cạnh đó, còn có một số đề tài/dự án duy trì, nhân rộng nhỏ lẻ như mô hình phát triển Cam Quýt tại xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn; cây Giảo cổ lam tại xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn; Bưởi diễn tại xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới; duy trì sản xuất giống Lê VH6 tại huyện Ngân Sơn…

Việc duy trì, nhân rộng sản phẩm các đề tài/dự án khoa học đã giúp các đơn vị, địa phương có cơ sở khoa học để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa bỏ dần tư duy kinh nghiệm, tập quán canh tác cũ kém hiệu quả sang cách làm mới hiệu quả hơn; khai thác, phát huy được tiềm năng sẵn có của địa phương, tạo ra những sản phẩm hàng hóa đặc sản, đặc trưng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo vệ môi trường phát triển bền vững. Đồng thời, kết quả các đề tài/dự án cũng phục vụ đắc lực công tác quản lý, hoạt động chuyên môn, là cơ sở xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh đó, các đề tài/dự án như mô hình vườn thuốc nam, mô hình quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân tại cộng đồng bằng Sổ sức khỏe điện tử… thuộc lĩnh vực khoa học y, dược; kết quả đề tài/dự án xây dựng lò sấy thuốc lá tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao chất lượng thuốc lá sau sấy thuộc lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ cũng được triển khai nhân rộng, được người dân đánh giá cao…

Đối với các đề tài/dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, mặc dù chiếm tỷ lệ ít (khoảng 8 – 10% tổng số các đề tài/dự án), song việc triển khai các nhiệm vụ lĩnh vực này có tầm quan trọng đối với ổn định phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; các đề tài/dự án sau khi triển khai đều được áp dụng vào thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các ngành, các cấp.

Việc nghiên cứu, ứng dụng sản phẩm các đề tài/dự án khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh thời gian qua được quan tâm thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, việc duy trì và nhân rộng kết quả các đề tài/dự án khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất còn chậm, bên cạnh những mô hình đã được nhân rộng thì một số kết quả chỉ duy trì hoặc nhân rộng nhỏ lẻ, manh mún, chưa thu hút được người dân tham gia, chưa mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Theo thống kê, trong giai đoạn 2015 – 2021, có 40% kết quả các đề tài/dự án sau khi được nghiệm thu đang được duy trì, nhân rộng có hiệu quả; 55% kết quả đề tài dự án duy trì, nhân rộng nhỏ lẻ tại địa bàn triển khai; có 2 dự án (chiếm 5%) không được duy trì, nhân rộng.

Bên cạnh nguyên nhân thuộc về tính thiết thực, hiệu quả của đề tài/dự án; vấn đề về nhận thức và trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền địa phương và về ý thức áp dụng tiến bộ khoa học của người dân thì tỉnh Bắc Kạn hiện còn gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí để nhân rộng cũng như chưa xã hội hóa huy động được nguồn lực hỗ trợ, đầu tư nhân rộng kết quả đề tài/dự án sau nghiên cứu.

Hội đồng Khoa học và Công nghệ của tỉnh tổ chức Hội nghị tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong giai đoạn mới

Trong giai đoạn 2022 – 2025, bám sát nhu cầu và điều kiện thực tế; thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia, của tỉnh, Đề án tái cơ cấu ngành khoa học và công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn đén năm 2030, tỉnh Bắc Kạn sẽ tập trung nghiên cứu, triển khai các chương trình khoa học và công nghệ về nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm chủ lực của địa phương như Cam quýt Bắc Kạn, Hồng không hạt Bắc Kạn, Chè Shan Tuyết Bắc Kạn, Gạo nếp Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, Gạo Bao thai Chợ Đồn, Lợn địa phương… nhằm tạo vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường

Cùng với đó là tăng cường nghiên cứu, phát triển các loại cây dược liệu có giá trị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ trong chế biến nông, lâm sản, đặc biệt là nông sản, kéo dài thời gian bảo quản mà vẫn giữ được chất lượng sản phẩm; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao phù hợp trong nông nghiệp, y dược, bảo vệ môi trường và các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo để duy trì, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức hoạt động khoa học công nghệ ở cấp tỉnh và cấp cơ sở, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ; xây dựng cơ chế đặc thù trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Huy động mạnh mẽ nguồn vốn xã hội và các nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ; có cơ chế sử dụng vốn sự nghiệp kinh tế hỗ trợ nhân rộng kết quả các nhiệm vụ khoa học công nghệ có hiệu quả…/.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn (Tác giả Bích Huệ)

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content