Trang trại chăn nuôi phát triển mạnh

Thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh ta đề ra mục tiêu tới năm 2025, phát triển tối thiểu được 70 trang trại chăn nuôi trâu, bò, lợn quy mô vừa và nhỏ.

Năm 2020, toàn tỉnh mới có 02 doanh nghiệp và 30 Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi. Quy mô chăn nuôi nhỏ, thiếu an toàn, cùng với dịch tả lợn châu Phi bùng phát, phát triển chăn nuôi giai đoạn 2016-2020 phát triển chậm.

Giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu tạo sự đột phá trong hoạt động sản xuất chăn nuôi để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi giá trị, tỉnh ta đã xây dựng Kế hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức chăn nuôi trang trại từ quy mô nhỏ đến vừa. Yêu cầu đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng và gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên doanh. Phấn đấu đến năm 2025 phát triển tối thiểu được 70 trang trại chăn nuôi trâu, bò, lợn quy mô vừa và nhỏ.

Chăm sóc bò tại HTX Hòa Phát (Bạch Thông).

Giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu trên là đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại thông qua các chương trình, dự án tại các huyện có lợi thế về đồng cỏ, về quỹ đất; kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đồng thời, tập trung chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, nuôi thương phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa. Rà soát đánh giá lại tiềm năng, nhu cầu các hộ chăn nuôi, gia đình có đất đai, điều kiện đầu tư để tập trung phát triển chăn nuôi trang trại lợn theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh, gắn tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi và hình thành các vùng chăn nuôi tập trung. Đồng thời, tiếp tục duy trì phát triển chăn nuôi nông hộ để đảm bảo ổn định tổng đàn và sản lượng thịt hơi.

Để Kế hoạch thực hiện có hiệu quả, tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, hỗ trợ thực hiện các thủ tục theo quy định, đồng hành cùng nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Do vậy, chỉ trong 2 năm (2021 – 2022), theo thống kê của Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, toàn tỉnh đã có 5 doanh nghiệp, 26 HTX và 20 trang trại tham gia chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại khép kín (51 trang trại) an toàn sinh học. Hầu hết các trang trại đều thực hiện chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học, do vậy tại các trang trại này đều không bị dịch bệnh xâm hại. Nhiều trang trại có quy mô lớn như trang trại của Công ty TNHH Nam Huế với 600 con lợn nái và 2.000 con lợn thịt; 2 trang trại của Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Bắc Kạn với quy mô 200 con lợn nái và 12.000 con lợn thịt; trang trại chăn nuôi 84 con bò của HTX Hòa Phát (Bạch Thông)…

Ngoài ra, hiện nay còn có 7 doanh nghiệp đã được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô đầu tư lớn vào chăn nuôi lợn. Trong đó, có cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác như sản xuất vật liệu xây dựng, thiết bị điện máy… Điều đó cho thấy, môi trường đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi ở Bắc Kạn có nhiều tiềm năng, thuận lợi. Các dự án này đều đã và đang triển khai xây dựng chuồng trại với quy trình khép kín, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Trong các HTX chăn nuôi theo mô hình trang trại có nhiều HTX được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi từ Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Bắc Kạn (nay sửa đổi bổ sung thành Nghị quyết 08/2022 ngày 19/7/2022). Ngoài ra, các huyện, thành phố cùng dành kinh phí để hỗ trợ các HTX phát triển chăn nuôi.

Cùng với đó, hoạt động chế biến thực phẩm từ lợn, trâu, gà đã từng bước phát triển, xuất hiện một số thương hiệu được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Cụ thể như, thịt lợn rừng lai Phúc Thơm của Hợp tác xã Quỳnh Trang, xã Đồng Thắng; chân giò hầm, khau nhục Hồng Quân của cơ sở Nguyễn Thị Nhung (Chợ Đồn); xúc xích lợn bản địa Pác Nặm, lạp sườn gác bếp, thịt lợn treo gác bếp, thịt trâu khô gác bếp của HTX dịch vụ và phát triển nông nghiệp Pác Nặm; thịt trâu gác bếp của HTX Hoàng Huynh (Ba Bể); gà thả đồi và lợn đen bản địa của HTX Trần Phú (Na Rì)…

Có thể thấy, trong giai đoạn hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến hết sức phức tạp thì việc phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại khép kín, đảm bảo các quy định về an toàn sinh học là hướng đi hiệu quả cần phổ biến, nhân rộng. Với tốc độ thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi như hiện nay, mục tiêu của Kế hoạch phát triển chăn nuôi gia súc giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh Bắc Kạn sẽ sớm được hoàn thành./.

Nguồn: Báo Bắc Kạn điện tử (Tác giả Phan Quý)

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

Translate:

Language
Skip to content